* Hoạt động 1: Giao lưu cùng bé
- Nhiệt liệt chào mừng các bé yêu đến với chương trình “Đồ rê mí” ngày hôm nay.
- Đến với chương trình ngày hôm nay, tôi xin trân trọng giới thiệu các vị đại biểu là các cô giáo đến từ trường mầm non Ngán Chiên. Đề nghị chúng ta nhiệt liệt chào mừng!
- Và thành phần không thể thiếu trong chương trình ngày hôm nay đó là sự tham gia của hai đội chơi: đội nốt nhạc vàng và đội nốt nhạc hồng. Xin 1 tràng pháo tay để chào đón hai đội chơi ạ.
Chương trình hôm nay có 3 phần chơi. Sau các phần chơi, đội nào chơi tốt sẽ được khen, cuối chương trình, đội nào chơi tốt nhiều phần chơi hơn hơn sẽ thắng và được thưởng quà. Các con đã sẵn sang tham gia chương trình chưa?
* Hoạt động 2: Bé làm ca sĩ
- Ngay bây giờ, không để các con phải chờ lâu thêm nữa, xin mời các con cùng đến với phần chơi đầu tiên mang tên “Ca sĩ tài năng”. Ở phần chơi này, các con sẽ thể hiện giọng hát của mình với bài hát “Cô giáo miền xuôi” của nhạc sĩ Mộng Lân, đội nào hát hay hơn sẽ thắng. Để các con có thể nắm chắc ca từ và giai điệu của bài hát này, các con hãy chú ý nghe cô hát nhé!
- Cô hát cho trẻ nghe
- Cô vừa hát bài hát gì? Của nhạc sĩ nào? (Cô nhắc lại)
- Bài hát nói về điều gì?
- Giảng nội dung: Bài hát nói về cô giáo không quản ngại khó khăn vất vả từ miền xuôi lên vùng cao để dạy các em nhỏ. Trong lớp học nhỏ giữa lùm cây, cô dạy các cháu hát múa, kể chuyện, đọc thơ, rồi còn chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ cho các cháu nữa. Các bạn nhỏ yêu cô giáo rất nhiều và tự hứa mỗi ngày sẽ thật ngoan để cho cô vui lòng.
- Các con có yêu cô giáo của mình không? Vậy các con phải làm gì để cô vui?
- Giáo viên là một nghề thuộc nhóm nghề gì?
- Con còn biết những nghề phổ biến, quen thuộc nào nữa?
- Cô giáo dục trẻ biết yêu quý, kính trọng người làm nghề phổ biến, quen thuộc.
- Bây giờ, xin mời các ca sĩ nhí sẽ cùng thể hiện tài năng của mình với bài hát “Cô giáo miền xuôi”, chúng mình cùng thể hiện xem đội nào hát hay nhé!
- Cô dạy trẻ hát với nhiều hình thức: cả lớp, đội, nhóm, cá nhân, hát điều chỉnh cường độ giọng theo hiệu lệnh tay,…
Cô khuyến khích, động viên, sửa sai, khen trẻ.
- Hỏi trẻ tên bài hát, tên tác giả
- Cô nhận xét, khen trẻ.
* Hoạt động 3: Bé hát hay, múa dẻo
- Để bài hát được hay hơn thì có rất nhiều cách vận động, một trong những cách rất hay đó là múa minh họa. Ban tổ chức đã đưa ra một phần chơi về cách vận động này, đó là phần chơi mang tên “Hát hay múa dẻo”. Ở phần chơi này, các đội sẽ phải hát và múa minh họa theo bài hát “Cô giáo miền xuôi”. Đội nào hát hay, múa dẻo, đúng động tác sẽ thắng. Nhưng để thực hiện được tốt vận động này, các con hãy quan sát xem cô múa trước nhé.
- Cô múa mẫu 1 lần cho trẻ quan sát
+ Câu 1: “Cô mẫu giáo … lên đây”: hai tay đặt úp lên vai và dậm chân tại chỗ.
+ Câu 2: “Với đàn cháu … lùm cây”: Đưa úp hai tay ra trước rồi cuộn cổ tay ngửa bàn tay lên kết hợp nhún chân, sau đó vòng tay lên trên đầu.
+ Câu 3: “Cô dạy cháu … mẹ cha”: Vỗ tay, kết hợp nhún chân.
+ Câu 4: “Xa cô … gặp cô”: đưa tay phải lên chào.
+ Câu 5: “Từ sáng sớm … bên cô”: Đưa úp hai tay ra trước rồi cuộn cổ tay ngửa bàn tay lên kết hợp nhún chân, sau đó úp hai tay vào ngực kết hợp nhún chân.
+ Câu 6: “Giấc ngủ … tình thương”: Giả làm động tác ngủ.
+ Câu 7: “Cô dạy hát … là vui”:Đưa tay phải lên cao, cuộn cổ tay, kết hợp nhún chân rồi đổi bên.
+ Câu 8: “Yêu cô giáo… càng ngoan”: Hai tay úp bắt chéo trước ngực rồi lắc lư người sang hai bên.
- Sau đây mời các con cùng đứng lên múa cùng cô nào. Thi xem đội nào múa dẻo hơn nhé.
- Cho trẻ hát múa lồng ghép dưới nhiều hình thức: cả lớp, nhóm, cá nhân … (Tích hợp cho trẻ đếm số lượng nhóm bạn vận động).
- Cô chú ý sửa sai cho trẻ tư thế tay, bước nhún theo nhịp và động viên khuyến khích trẻ thực hiện.
- Hỏi trẻ tên bài hát, tên tác giả, tên vận động.
- Ngoài cách vận động múa theo bài hát ra còn có cách vận động nào nữa? (vỗ tay theo nhịp, theo phách, tiết tấu chậm, tiết tấu nhanh, múa sáng tạo, vỗ kết hợp các dụng cụ âm nhạc...)
- Cho trẻ vận động tự do theo lời bài hát 1 - 2 lần.
- Hỏi trẻ tên bài hát, tên tác giả
- Cô nhận xét, khen các đội chơi.
* Hoạt động 4:Tai ai tinh nhất.
- Để bắt đầu vào phần chơi thứ ba và cũng là phần chơi cuối cùng, ban tổ chức sẽ tặng cho chúng mình một món quà. Muốn biết được đó là quà gì, các con cùng cô chơi trò chơi “Úm ba la” nhé! (Khi cô nói: “Úm ba la”… – trẻ nhắm mắt lại, giơ hai tay về phía trước mặt, động đậy các ngón tay. Khi cô nói “Mở ra điều bí mật” – trẻ mở mắt ra)
- Cô đưa mũ chóp cho trẻ quan sát, hỏi trẻ:
+ Đây là gì?
+ Với chiếc mũ xinh đẹp này, theo các con ban tổ chức sẽ cho chúng mình tham gia trò chơi gì?
- À đúng rồi đấy, với chiếc mũ này, ban tổ chức sẽ đưa ra phần chơi có tên: “Nghe tiếng hát tìm đồ vật”.
- Cô nói cách chơi: Cháu A đội mũ chóp. Cô dấu đồ vật vào 1 trẻ. Cả lớp hát, cháu A đi men theo các bạn ngồi vòng tròn. Nếu cháu A đi càng gần đến đồ vật cất dấu thì cả lớp càng hát to dần lên, nếu đi càng xa đồ vật thì cả lớp càng hát nhỏ dần. Cháu A sẽ dừng lại khi có tiếng hát to. Cô bỏ mũ cho trẻ để trẻ tìm đồ vật và trẻ có đồ vật bị tìm thấy sẽ tiếp tục làm người chơi. Nếu cháu A không tìm được đồ vật cất dấu thì phải làm theo yêu cầu của cô (nhảy lò cò, làm tiếng kêu con vật, hát, đọc thơ), cô chỉ định người khác lên chơi. Trò chơi tiếp tục.
- Cho trẻ chơi 2 - 3 lần.
Cô động viên, khuyến khích trẻ.
- Hỏi trẻ tên trò chơi.
- Cô nhận xét, khen trẻ.
- Các phần chơi đã kết thúc rồi. Cô công bố kết quả và tuyên bố thứ tự đạt giải của các đội chơi; chúc mừng trẻ.
- Mời đội trưởng các đội lên nhận giải.
- Kết thúc: Chương trình “Đồ rê mí” đến đây là hết rồi. Thay mặt BTC chương trình xin kính chúc các vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc; chúc các bé chăm ngoan học giỏi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong các chương trình sau!
|