Đôi mắt được coi là cửa sổ tâm hồn, việc để trẻ bị tật khúc xạ ngay từ khi còn bé sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tầm nhìn về sau. Ông cha đã có câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, thay vì để trẻ phải mang cặp mắt kính nặng nề, vướng víu thì tốt nhất bạn nên tham khảo các biện pháp chăm sóc mắt hiệu quả cho trẻ sau đây:
1. Giữ khoảng cách đọc, viết phù hợp:
Khoảng cách lý tưởng để đọc sách cho trẻ là 25cm từ mắt đến mặt trang sách đối với bậc tiểu học và 30 - 40cm đối với cấp trung học cơ sở trở lên. Bậc cha mẹ cần rèn luyện cho trẻ có thói quen này để giữ đôi mắt sáng khỏe trong quá trình học tập.
2. Đảm bảo góc học tập của con đầy đủ ánh sáng:
Góc học tập nên được bố trí gần cửa sổ hoặc bố trí đủ ánh sáng cho trẻ. Đối với trẻ học tập vào buổi tối cha mẹ cần chuẩn bị đèn bàn có chụp phản chiếu, tránh để ánh sáng chiếu trực tiếp vào mắt bé.
3. Để mắt nghỉ ngơi trong quá trình học tập:
Cần thực hiện theo quy tắc 20-20-20 (Theo - Hiệp hội Thị lực Mỹ và Học viện Nhãn khoa Mỹ) để mắt được thư giãn trong quá trình học tập. Nếu các bé thường xuyên học với máy tính thì cần nghỉ ngơi sau 20 phút học tập, hãy rời mắt khỏi màn hình và nhìn vào một vật gì đó cách mắt 20 feet (khoảng 6 mét) trong thời gian 20 giây.
4. Không sử dụng các thiết bị điện tử thường xuyên:
Hạn chế cho trẻ xem thiết bị điện tử quá một giờ đồng hồ liên tục. Với tivi, bạn cần đảm bảo bé ngồi cách màn hình 3-3.5m; với các thiết bị như smartphone hay máy tính bảng, khoảng cách từ màn hình tới mắt ít nhất một cánh tay trẻ em.
5. Bổ sung thực phẩm tốt cho mắt:
Dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng để phòng ngừa các tật khúc xạ. Cha mẹ hãy bổ sung cho trẻ các dưỡng chất có lợi, bao gồm thực phẩm giàu vitamin A (sữa, dầu cá, lòng đỏ trứng…), thực phẩm chứa kẽm và canxi (hải sản, rau câu, quả bơ…).
6. Rèn luyện thể thao thường xuyên:
Tích cực cho con tham gia các hoạt động trong nhà và rèn luyện thể thao tại nhà để mắt được thư giãn.
7. Tập thể dục cho đôi mắt:
Hãy cùng con luyện tập các bài tập massage mắt đơn giản giúp đôi mắt được thư giãn sau một ngày hoạt động mệt mỏi
8. Tầm soát tật khúc xạ định kỳ
Cho trẻ đi khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng/lần tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ.