Cách đơn giản để phòng chống sốt xuất huyết cho trẻ khi có dịch
Hiện, bệnh chưa có vắcxin phòng ngừa, cách phòng bệnh đơn giản nhất là phun thuốc trừ muỗi đúng cách, diệt bọ gậy...
Theo Bộ Y tế, dịch sốt xuất huyết có mặt ở hầu hết địa phương, diễn biến phức tạp, thường gia tăng khi bắt đầu vào mùa mưa bởi thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển
Thân nhiệt trẻ cao, đùa nghịch ra mồ hôi nhiều thu hút muỗi hơn. Sức đề kháng bé còn yếu khiến dễ mắc bệnh và để lại biến chứng nguy hiểm. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắcxin phòng bệnh nên phòng tránh là biện pháp chủ yếu.
Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy
Theo Cục Y tế dự phòng, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người nhiễm sau đó truyền cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.
Muỗi vằn đẻ trứng chủ yếu ở các dụng cụ chứa nước sạch trong và xung quanh nhà; không đẻ ở ao tù cống rãnh có nước hôi thối. Phụ huynh chủ động loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng, bọ gậy.
Đồng thời, gia đình thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Phụ huynh chủ động thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, tủ đựng chén bát.
|
Cách phòng bệnh tốt nhấtlà diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Ảnh:Shutterstock.
|
Mặc quần áo dài tay, ngủ buông màn để tránh muỗi đốt
Chị Ban Mai, 32 tuổi, quận 2, TP HCM từng nghỉ việc 3 tuần chăm con cấp cứu vì sốt xuất huyết nên phần nào hiểu mức độ nguy kịch của bệnh. Thời gian đó, bé sốt cao hầm hập, tay chằng chịt vết bầm tím ven truyền. Vợ chồng chị bơ phờ canh con ngủ từng giấc, chưa kể hao tiền tốn bạc do nằm viện dài ngày.
Năm nay, để ngừa muỗi đốt, con trai chị ngủ màn, bất kể ngày hay đêm. Trước khi ngủ, chị thường cầm vợt điện kiểm tra màn có muỗi không bởi muỗi vằn thường trú đậu ở các xó tối, quần áo, chăn màn, dây phơi... Vợ chồng chị cũng cho bé vui chơi ở khu vực thoáng đãng, giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, mặc áo dài tay để tránh muỗi, ưu tiên cotton hút mồ hôi hoặc vải lanh mát mẻ.
Phun thuốc trừ muỗi đúng cách
Theo các chuyên gia y tế, để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân chủ động phun thuốc muỗi tất cả các tầng trong nhà, nếu chỉ phun tầng 1-2, các tầng cao không phun thì không có tác dụng vì muỗi có thể sống trên tầng cao.
Ngoài ra, khi phun thuốc thì phải phun tất cả hộ trong khu, nếu chỉ một nhà phun thì muỗi có thể bay từ nhà này sang nhà khác. Khi phun thuốc, về nguyên tắc phải đóng hết cả các cửa sổ, chỉ để cửa cho người vào phun, sau 30 phút đến một tiếng mới vào nhà.
Cha mẹ cũng có thể sử dụng các sản phẩm chống muỗi cho bé. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, phụ huynh nên kiểm tra độ an toàn khi lựa chọn, hạn chế sử dụng sản phẩm có chứa hóa chất hoặc chất diệt côn trùng, nhất là với loại thoa trực tiếp trên da bé, ưu tiên chiết xuất từ thiên nhiên.
Nếu gia đình có người bị sốt xuất huyết thì cần bố trí cách ly hoặc cho nằm trong màn, tránh muỗi đốt để hạn chế lây lan bệnh cho người khác.
Cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
Trẻ nhỏ khi mắc sốt xuất huyết có thể diễn tiến nặng hơn người lớn. Những biểu hiện đầu tiên của bệnh như sốt cao đột ngột (39-40 độ), lừ đừ, mệt mỏi kéo dài trong nhiều ngày. Phụ huynh nên cho con uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, có thể chọn loại thuốc có vị cam dễ uống để bé hợp tác hơn. Cha mẹ cần đọc kỹ thành phần và hướng dẫn sử dụng, nếu chưa rõ nên hỏi lại bác sĩ để tránh trẻ uống nhầm thuốc, sai liều.
Trẻ sốt xuất huyết thường sốt cao khó hạ, nhất là những ngày đầu, ngay cả khi uống thuốc hạ sốt do bác sĩ kê đơn, có thể 30-45 phút sau, trẻ sốt cao trở lại. Trong trường hợp này, phụ huynh không tự ý tăng thuốc dẫn đến quá liều. Hơn nữa, sử dụng thuốc hạ sốt liên tục có thể làm tổn thương gan nặng nề, xuất huyết tiêu hóa... Một số trường hợp bé có thể kèm viêm họng, viêm hô hấp trên, sổ mũi, tiêu chảy, buồn nôn... cần được đưa đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.
|
Trẻ nên ăn thức ăn loãng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ trong thời gian bị sốt xuất huyết. Ảnh:Shutterstock.
|
Trẻ sốt xuất huyết thường bị mất nước, khô da, khô môi, mệt mỏi. Phụ huynh không nên tự ý truyền nước vì có thể dẫn đến sốc phản vệ, phù nề, suy hô hấp, nguy hại đến tính mạng. Cha mẹ nên cho bé ăn thức ăn dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ, bù nước cho con bằng nước sôi để nguội, nước trái cây (dừa, cam, chanh...) hoặc nước cháo loãng với muối.
Thực phẩm có màu đen hoặc đỏ sẫm như thanh long, dưa hấu, củ dền... cần hạn chế vì có thể trẻ đi ngoài phân đen hoặc đỏ, dễ gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa. Mẹ cho con nghỉ ngơi, hạn chế vận động trong giai đoạn sốt để tránh xuất huyết nặng.
Các trẻ sốt xuất huyết có thể điều trị ngoại trú và chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bé tự nhiên bồn chồn, người lừ đừ, đau bụng vùng gan tăng; da sung huyết nhưng chân tay lạnh; nôn tăng đột ngột; nôn ra máu hoặc đi ngoài máu tươi; tiểu ít... bố mẹ cần đưa nhập viện ngay.