Nếu kiểm soát tốt, Việt Nam sẽ không có đỉnh dịch
Nhận định Việt Nam đang trong giai đoạn 3, mất dấu F0, song PGS.TS Nguyễn Huy Nga vẫn cho rằng nếu kiểm soát tốt, nước ta sẽ không có đỉnh dịch.
Ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ chính thức công bố dịch toàn quốc. Dịch Covid-19 ở nước ta đang được xác định ở giai đoạn 3 với những diễn biến mới.
Zing.vn đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - chuyên gia hàng đầu trong y tế dự phòng. Ở nhiệm kỳ của mình, PGS Nga là người trực tiếp chỉ đạo chống những đại dịch lớn ở nước ta, trong đó có dịch SARS gây tiếng vang khi Việt Nam là quốc gia đầu tiên khống chế được dịch bệnh nguy hiểm này.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: T.D.
Nguy cơ lây lan trong cộng đồng
- Tình hình dịch Covid-19 ở nước ta ở thời điểm này như thế nào?
- Chúng ta đang ở giai đoạn 3 của dịch với nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, chúng ta đang có những ca không tìm ra nguồn lây lan từ đâu, tức là mất dấu F0, người bệnh đi lại trong cộng đồng và chúng ta không biết họ là ai, ở đâu. Điều đó có nguy cơ lớn lây lan trong cộng đồng khi bất cứ ai cũng có thể bị lây bệnh.
- Như vậy, những đối tượng nào đang có nguy cơ hơn cả?
- Trong bối cảnh này, những nơi tập trung đông người như nhà máy xí nghiệp vẫn hoạt động, chợ, siêu thị, trại giam, trại cải tạo, bệnh viện, doanh trại quân đội... cần đặc biệt quan tâm vì có thể bùng phát dịch. Bởi không biết ai đang mang bệnh và có thể lây ra cho cả một cộng đồng.
- Người dân nên làm gì để có thể bảo vệ mình, bảo vệ gia đình trước virus này, thưa ông?
- Tôi khuyến cáo người dân nên ở nhà, tránh tiếp xúc cộng đồng. Trong trường hợp có người mắc thì chỉ một nhà bị lây, đừng để lây rộng ra cộng đồng. Tất nhiên, chúng ta phải tuân thủ theo tất cả khuyến cáo của chính phủ, ngành y tế từ đầu là rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang, đứng cách nhau 2 m. Nếu làm đúng như khuyến cáo thì đảm bảo không bị bệnh.
- Nhiều người đang lo ngại khi các ca mắc Covid-19 vừa rồi ở nước ta không có dấu hiệu bệnh như ho, đau họng, sốt. Ông nghĩ sao?
- 80% ca mắc Covid-19 là nhẹ, không có dấu hiệu, 20% còn lại là có dấu hiệu mạnh, nặng. Thậm chí, nước ta có những người phát hiện dương tính, đưa vào viện vẫn không có dấu hiệu gì. Nhất là trẻ em, theo các nghiên cứu, đây là đối tượng có bị nhiễm nhưng không có dấu vết, triệu chứng. Chủ yếu là người già, người có bệnh nền là có triệu chứng mạnh. Hiện nay, Hà Nội đã có xét nghiệm nhanh, vì vậy nên làm các xét nghiệm ngẫu nhiên trong cộng đồng để biết nguy cơ dịch.
- Những người mắc mà không có dấu hiệu bệnh này có thể lây bệnh sang cho người khác không?
- Câu trả lời là có. Sau khi nhiễm SARS-CoV-2 khoảng 3-4 ngày, họ có thể lây bệnh và sẽ lây mạnh vào ngày thứ 5, thứ 6. Họ có thể không có triệu chứng, không biết nhiễm lúc nào nhưng nguyên tắc là ngày thứ 5 và 6 là đỉnh cao của lây nhiễm. Dù không ho, nhưng khi nói chuyện có văng nước bọt, hắt xì hơi... có thể truyền bệnh cho người khác.
- Trong trường hợp người mắc luôn đeo khẩu trang thì sao?
- Đeo khẩu trang đảm bảo sẽ không lây cho người khác được. Đó là về nguyên tắc. Vì con virus này nằm trong nước bọt, trong những giọt bắn ra khi ho, nói chuyện. Do đó, nếu khẩu trang chuẩn sẽ ngăn được. SARS-CoV-2 không tồn tại lâu trong không khí.
Nghiên cứu của Trung Quốc cũng chỉ ra virus không lan trong không khí. Do đó, người dân nên làm đúng khuyến cáo là đeo khẩu trang đúng cách, đứng cách xa 2 m khi giao tiếp, rửa tay thường xuyên thì sẽ ngăn chặn được sự lây lan.
Giải pháp cách ly xã hội sẽ giúp ngừa nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm. Ảnh: Việt Linh.
Thời điểm nào là đỉnh dịch?
- Với nhiều kinh nghiệm trong các cuộc chiến với đại dịch từng diễn ra ở nước ta, ông nhận định diễn biến dịch Covid-19 ở nước ta trong thời gian tới sẽ như thế nào?
- Tôi từng trực tiếp chỉ đạo trong các vụ dịch lớn như SARS, cúm gia cầm H5N1, H1N1 với hàng nghìn ca mắc, hàng chục người tử vong. So với các dịch đó, Covid-19 có khả năng lây lan mạnh nhưng không nguy hiểm, gây tử vong nhiều như SARS. Với SARS-CoV-2, những đối tượng như người già, người có bệnh nền là dễ tử vong.
Dịch diễn biến tiếp theo như thế nào phụ thuộc vào việc có làm quyết liệt hay không, phụ thuộc vào ý thức của công dân. Họ có chịu cách ly xã hội hay không. Nếu không cách ly, không đeo khẩu trang, sát khuẩn dịch sẽ bùng phát. Ngược lại, nếu tuân thủ theo chỉ đạo, chúng ta sẽ có các biện pháp ngăn chặn để dịch có thể bùng phát, nhưng không lớn. Thực tế, đã có những ca trong cộng đồng, nhưng toàn dân chung sức thì sẽ không để nhiều người khác bị lây, dịch sẽ không bùng phát.
- Ông đánh giá chúng ta đã chống dịch như thế nào? Liệu có những dấu hiệu khả quan?
- Việt Nam đã thực hiện tốt, đã chủ động, cảnh báo sớm từ đầu. Điều đó là rất tốt và đem lại kết quả khả quan nhất định. Tôi thấy sự tiến triển của dịch đang chậm, khả năng bùng phát chậm. Hiện, ổ dịch Trường Sinh nguy hiểm, song chúng ta đã cách ly công nhân đi lại cộng đồng. Đến nay đã 10 ngày, những người phát hiện đã được cách ly, tầm soát. Thứ nữa, dịch dù bùng phát nhưng chưa bùng phát trong cộng đồng mạnh mẽ, nguy hiểm như trên thế giới.
Khi khí hậu nóng lên, hy vọng đây cũng là một yếu tố tốt. Đặc biệt, người Việt Nam đã được cảnh báo từ sớm, được hướng dẫn đeo khẩu trang, cách ly, sát khuẩn, rửa tay,...
Từ những năm 2010 - 2011, tôi đã tham gia với quốc tế xây dựng tài liệu phòng chống đại dịch cho dịch cúm, xuất bản năm 2013-2014. Thời điểm 2010-2011, các nhà khoa học đã dự báo khoảng năm 2018-2020 sẽ xảy ra đại dịch nên họ đã xây dựng tài liệu hướng dẫn phòng chống đại dịch. Việt Nam hàng năm cũng có diễn tập phòng chống đại dịch. Những điều đó cũng góp phần cho Việt Nam thành thạo hơn trong công tác chống dịch.
- Vậy đỉnh dịch ở nước ta sẽ rơi vào thời gian nào? Khi nào chúng ta sẽ thoát khỏi đại dịch này?
- Đỉnh dịch là lúc ghi nhận rất nhiều người mắc, hàng loạt, sau đó, con số đi xuống, giảm dần. Việt Nam chưa có đỉnh dịch và chưa chắc có. Nếu chúng ta không lây ồ ạt thì sẽ không có đỉnh dịch. Việt Nam nếu ngăn chặn được sẽ không tạo nên ổ dịch lớn, vùng dịch lớn thì làm gì có đỉnh dịch.
Thời gian kết thúc cũng phụ thuộc lớn vào biến động đi lại của quốc tế. Hy vọng giữa tháng 4 và tháng 5, dịch trên thế giới lên đỉnh và giảm dần thì nguy cơ ở Việt Nam cũng giảm theo. Nếu Việt Nam vẫn đóng cửa với các nước như thế này, cuối tháng 4, đầu tháng 5 sẽ hạn chế được các ca vì không lây nữa, khống chế được các ca lây tại chỗ, các ổ dịch.
Mục đích của virus khi xâm nhập vào cơ thể không phải để giết chúng ta mà nó cộng sinh trong cơ thể người để phát triển. Người chết nó cũng sẽ chết. Nó có thể tồn tại cộng sinh trong người qua năm này năm khác. Dần dần, nó có thể phát triển thành virus cúm thông thường. Đó là điều có thể xảy ra.