Trong suốt thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác y tế học đường, đảm bảo tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.
Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục- Đào tạo Hà Nội, hiện nay, Hà Nội có 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã với 579 đơn vị hành chính cấp xã. Quy mô giáo dục có 2.835 trường mầm non và phổ thông với hơn 2,2 triệu học sinh, trên 138.000 giáo viên, nhân viên. Ngoài ra, thành phố còn có 120 trường đại học, cao đẳng thuộc các bộ, ngành với gần 1 triệu sinh viên, học viên.
Hàng năm, liên ngành y tế - giáo dục đã phối hợp thực hiện kiểm tra y tế học đường tại các cơ sở giáo dục. Thực hiện giám sát vệ sinh môi trường, nguồn nước uống, nước sinh hoạt, các điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức tập huấn công tác y tế học đường như một số vấn đề về phòng chống dịch bệnh trong nhà trường, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể và bữa ăn bán trú cho cán bộ làm công tác y tế trường học các tuyến. Nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, khám, quản lý sức khỏe học sinh, kỹ năng truyền thông, giáo dục sức khỏe đối với các vấn đề liên quan đến bệnh tật, phát triển thể chất và tinh thần của học sinh. 100% các trường học trên địa bàn có phòng y tế trường học, có cán bộ y tế chuyên trách. 100% học sinh các cấp học cũng như cán bộ giáo viên, nhân viên y tế trường học được khám sức khỏe định kỳ ngay từ đầu năm học.
Đặc biệt, trong các năm 2020-2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hệ thống các trường học trên địa bàn thành phố đã tích cực, nghiêm túc, linh hoạt trong thích ứng an toàn và ứng phó hiệu quả với các cấp độ dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh qua các phương tiện như sử dụng hiệu quả nhóm Zalo, fanpage của nhà trường. Đồng thời dự trù vật tư, trang thiết bị y tế để phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của học sinh tại trường.
Trong năm học 2022-2023, thành phố đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Các điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực phục vụ dạy và học của các nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại trong thời gian tới.