Việt Nam đang trong 'thời gian vàng' để dập dịch Covid-19
Nguồn: Bộ y tế
Chỉ sau 13 ngày kể từ thời điểm phát hiện ca Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng tại Đà Nẵng, Việt Nam ghi nhận thêm 224 bệnh nhân mới.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế, cho biết qua điều tra dịch tễ, căn cứ vào các mô hình dự đoán và tham khảo ý kiến các chuyên gia, bộ đã dự báo dịch bắt đầu từ đầu tháng 7 hoặc từ ngày 8 đến 12/7.
Đặc biệt, qua phân tích gene của virus gây bệnh trên người mắc Covid-19 tại Đà Nẵng, các chuyên gia có thể khẳng định đây là nguồn mới xâm nhập, từ một điểm phát ra (khu 3 bệnh viện ở Đà Nẵng),… Virus lần này đã đột biến, dẫn tới tình trạng lây nhiễm trong gia đình, lây nhiễm chéo cao.
Các chuyên gia dự báo thời gian tới, số ca nhiễm tiếp tục tăng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể kiểm soát được tình hình.
"Thời gian vàng" kéo dài khoảng một tháng
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho biết ngành y tế đang kiểm soát được tình hình dịch. Đây cũng là "giai đoạn vàng" quyết định khả năng dập dịch Covid-19 ở Đà Nẵng.
Nguyên nhân là khi bệnh đã lây lan trong cộng đồng, nếu không nhanh chóng kiểm soát, dịch sẽ bùng phát mạnh mẽ hơn thời gian đầu với lượng người nhiễm rất lớn.
Theo TS Hùng, dịch Covid-19 tại Đà Nẵng có thể đã trải qua 4-5 chu kỳ. Đây là thời gian phù hợp nhất để kiểm soát số ca nhiễm, không để virus lây lan âm thầm ngoài cộng đồng. Đặc biệt, số ca mắc hầu hết liên quan các bệnh viện. Các trường hợp nguy cơ tại ổ dịch này đã được cách ly. Do đó, thời gian tới, chúng ta có thể kiểm soát được nguồn lây này.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cố vấn chuyên môn phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, cho biết mỗi loại bệnh truyền nhiễm có “thời gian vàng” dập dịch khác nhau. Với Covid-19, thời gian này có thể dao động trong khoảng một tháng kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên..
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng khử trùng khu vực bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 sinh sống. Ảnh: CDC Đà Nẵng.
Về thời gian khống chế dịch, bác sĩ Khanh cho rằng điều này phụ thuộc vào mức độ ra quân truy vết, khoanh vùng và kết quả giám sát, xét nghiệm. Nếu toàn ngành, toàn dân thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát trong vòng 14 ngày kể từ thời điểm ghi nhận ca bệnh đầu tiên, tình hình có thể được khống chế. Sau khoảng 28 ngày, cộng đồng không ghi nhận thêm ca nhiễm thứ phát, lúc này, chúng ta mới có thể yên tâm.
Bộ Y tế dự báo dịch Covid-19 ở Đà Nẵng bắt đầu từ đầu tháng 7 hoặc ngày 8-12/7. Đây là nguồn mới xâm nhập, từ một điểm phát ra - khu 3 bệnh viện ở Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Y tế
Theo bác sĩ Khanh, để dập dịch hiệu quả, việc quan trọng đầu tiên là nhanh chóng khoanh vùng các khu vực, địa điểm người bệnh đã đến và cách ly ca nghi ngờ. Bằng cách này, những người đã nhiễm bệnh hoặc đang trong thời gian ủ bệnh sẽ bị “giữ chân” lại. Lúc này, việc của ngành y tế là theo dõi sức khỏe, xét nghiệm và điều trị.
Vấn đề thứ hai là tăng cường xét nghiệm khẳng định Covid-19 để chủ động điều trị sớm. Điều này đặc biệt quan trọng nếu người mắc cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Khi ca dương tính được phát hiện, những người tiếp xúc gần đã bị khoanh vùng, cách ly, tình hình có thể sớm được kiểm soát.
Ngoài ra, khi dịch lan trong cộng đồng, đặc biệt ở bệnh viện, các cơ sở y tế cần nhanh chóng kiểm soát tất cả người ra vào, tránh lây nhiễm chéo. “Bệnh viện là môi trường dễ trở thành ổ dịch nếu không đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn tốt”, bác sĩ Khanh nhận định.
Tại khu vực cổng ra vào, các cơ sở y tế nên bố trí lực lượng chốt chặn, đo thân nhiệt và đề nghị khách khai báo y tế. Người có dấu hiệu nghi ngờ cần được bố trí lối đi riêng và chuyển đến cơ sở tiếp nhận bằng phương tiện chuyên dụng.
Khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm là các bước quan trọng để dập dịch. Ảnh: Hoàng Giám.
Tăng nhanh ca nhiễm là tín hiệu lạc quan
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng số liệu ghi nhận ca mắc Covid-19 tăng cao chưa chắc là điều tồi tệ. Khi Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, số ca nhiễm tăng nhanh rất đáng buồn, nhưng là tín hiệu lạc quan.
“Số ca mới tăng nhanh cho thấy ngành y tế đã và đang nắm được đường đi của virus, khoanh vùng và phát hiện sớm ca bệnh”, bác sĩ Khanh nêu quan điểm.
Hiện nay, hầu hết ca bệnh đều liên quan đến các bệnh viện tại Đà Nẵng. Thậm chí, hai trường hợp mắc Covid-19 mới ghi nhận tại TP.HCM cũng từ đầu mối này. Bác sĩ Khanh nhận định khi các bệnh viện tại Đà Nẵng đã phong tỏa, khu vực nghi ngờ bị khoanh vùng, chúng ta chỉ cần đẩy mạnh xét nghiệm sẽ tìm ra thêm người nhiễm virus.
“Càng khoanh vùng triệt để và đẩy mạnh xét nghiệm, số bệnh nhân tìm thấy sẽ tăng cao hơn. Các địa phương khác cũng cần tăng cường rà soát người về từ Đà Nẵng và lấy mẫu xét nghiệm. Theo tôi, trong khoảng 10-15 ngày nữa, số ca bệnh có thể tăng nhiều hơn, sau đó giảm dần”, bác sĩ Khanh nhận định.
Số ca mới tăng nhanh cho thấy ngành y tế đã và đang nắm được đường đi của virus, khoanh vùng và phát hiện sớm ca bệnh
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Ngoài ra, ông cho biết thêm số bệnh nhân tại Đà Nẵng không bất thường. Nguyên nhân là virus đã xuất hiện trong cơ sở y tế, sự lây nhiễm chéo xảy là điều tất yếu. Trong khi đó, khoảng 800.000 người từ Đà Nẵng tỏa ra các tỉnh, thành trong cả nước. Đây có thể được gọi là nguồn lây F1, khi đó các F2, F3 cũng nhanh chóng xuất hiện.
“Chỉ khi xét nghiệm toàn bộ F1 và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2, những trường hợp tiếp xúc gần còn lại mới có thể yên tâm. Số ca nhiễm tăng sẽ khiến chúng ta không khỏi bất ngờ nhưng hãy bình tĩnh”, bác sĩ Khanh nói.
Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, ở giai đoạn trước, khoanh vùng và kiểm soát dịch chủ yếu dựa vào việc truy vết đường đi của F0.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, F0 đang giấu mặt. Do đó, việc triển khai xét nghiệm sàng lọc diện rộng, đồng loạt để mở rộng phạm vi khoanh vùng, dập dịch là phương pháp quan trọng nhất.
Chuyên gia này cho biết ca bệnh khởi phát có hai dạng: F0 ngoại lai (ca bệnh nhập cảnh) và F0 nội tại (ca bệnh trong cộng đồng). Khi tất cả ca nhập cảnh đã được cách ly, vấn đề lo ngại của Việt Nam chính là những F0 nội tại.
“Các địa phương, đơn vị tăng cường xét nghiệm. Mỗi người dân tự cách ly, bảo vệ bản thân và người xung quanh. Lúc này, F0 nội tại cũng khó có thể lây nhiễm cho người khác”, bác sĩ Hùng khuyến cáo.