Cạnh tranh là một phần lớn của cuộc sống, cạnh tranh tích cực chính là sự phấn đấu không ngừng giúp trẻ ngày càng tiến bộ. Nhưng chúng ta cần phải biết cân đối và giới hạn mức độ cạnh tranh để trẻ không rơi vào trạng thái tiêu cực
Cạnh tranh giúp trẻ cố gắng hơn và rút ra được những bài học kinh nghiệm. Tuy nhiên, nó cũng khiến cho trẻ cảm thấy tuyệt vọng và có thể làm trẻ phân tâm hoặc dễ dàng bỏ cuộc... Do đó, chúng ta cần phải biết cân đối và giới hạn mức độ cạnh tranh để trẻ không rơi vào trạng thái tiêu cực
Tránh đánh giá trẻ
Không nên đánh giá trẻ một cách gay gắt theo hướng tiêu cực hoặc quá tích cực. Ngay cả khi chúng ta nói chúng quá hoàn hảo cũng khiến chúng lo lắng và ít có khả năng tự tin trong tương lai. Nếu con bạn hoàn thành tốt một công việc và được bạn khen quá tốt, có thể con bạn sẽ không dám làm công việc đó một lần nữa vì sợ bạn thất vọng, hoặc chúng sẽ nghĩ rằng bạn không trung thực. Nhiều trẻ được khen quá nhiều là thông minh, nhanh nhẹn hay khéo léo… khi lớn lên thường chọn những công việc dễ dàng, vì điều đó sẽ không làm cho cha mẹ chúng thất vọng.
Thường xuyên và tích cực ghi nhận nỗ lực
Thay vì khen con bạn là một nghệ sĩ tuyệt vời, bạn hãy nhận xét nét vẽ tốt, phối màu sống động… nó sẽ rất khách quan và có tác dụng tích cực đối với chúng. Bạn hãy chú tâm vào những nỗ lực của con chứ không nên gắn cho chúng một danh hiệu hay quá kỳ vọng vào khả năng, điều đó chỉ tạo thành gánh nặng đè lên vai chúng.
Nhấn mạnh sự thành công
Đôi khi cha mẹ chỉ đặt sự chú ý vào phần thưởng, danh hiệu hay vị trí con mình đạt được mà quên đi kết quả mà chúng đem lại. Phần thưởng tốt đẹp nhất chính là cảm giác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, là cảm giác được tin tưởng. Bạn hãy khuyến khích trẻ bằng cách hỏi han trẻ về những cảm nhận mà trẻ có được khi đã hoàn thành công việc.
Hãy nhấn mạnh: hợp tác hơn là cạnh tranh
Hãy giúp con bạn hiểu rằng, hợp tác thường đem lại kết quả tốt đẹp hơn sự cạnh tranh. Điều đó sẽ giúp trẻ biết giúp đỡ các thành viên khác trong gia đình cũng như giúp đỡ người khác.
Không nên so sánh trẻ với những đứa trẻ khác
Khi so sánh các con, bạn sẽ thấy cuộc sống gia đình bạn rơi vào một cuộc thi. Thay vì so sánh chúng hay so sánh con mình với con người khác, bạn hãy khen ngợi để chúng tận hưởng tài năng của mình, cảm thấy mình được yêu thương và tin tưởng.
An ủi và giúp trẻ đối phó với sự thất vọng
Khi không hoàn thành được công việc, trẻ thường cảm thấy thất vọng và có thể nản lòng. Bạn hãy tìm cách an ủi chúng và giải thích cho chúng rằng thất bại không phải là điều quá tồi tệ. Mỗi lần thất bại lại cho ta những kinh nghiệm quý báu và tự đứng lên sau mỗi thất bại là một điều vô cùng đáng quý không phải ai cũng làm được. Hãy cho chúng biết rằng kinh nghiệm thu được là điều quan trọng hơn chiến thắng rất nhiều. Bạn hãy giúp con mình hiểu rằng: dù không thành công nhưng chúng đã vượt qua và khắc phục được những khó khăn, chúng thấy hài lòng với những gì mình làm được thì chúng đã trở thành một người chiến thắng! Mỗi đứa trẻ thường có những phản ứng khác nhau về khả năng cạnh tranh và vượt qua thách thức, có trẻ coi đó là sự khích lệ để phấn đấu, nhưng cũng có trẻ coi đó là một sức ép đè nặng lên tâm lý. Bạn hãy tìm ra con đường tốt nhất để giúp con mình học hỏi và cạnh tranh tích cực.