Trong nhiều năm công tác tại Việt Nam, bác sĩ người Israel Jonathan
Halevy (Trưởng khoa Nhi của Bệnh viện Quốc tế FMP) cho biết ông thường
xuyên được nghe những thắc mắc, lo lắng của các bà mẹ Việt xung quanh
chuyện "Con tôi không chịu ăn", "Con tôi lười ăn", "Con tôi hay ngậm cơm", "Con tôi quá còi"....
Theo suy nghĩ của nhiều người Việt Nam, trẻ càng to béo nghĩa là càng
khỏe mạnh. Tuy nhiên trên cơ sở khoa học, điều này hoàn toàn không
đúng. Không chỉ ở những người lớn tuổi, nhiều cặp vợ chồng trẻ tại Việt
Nam vẫn còn mắc nhiều sai lầm, tạo nên chế độ dinh dưỡng không đúng đắn,
vô tình làm cho con mình mắc các chứng sợ ăn, biếng ăn.
“Trẻ em không phải như xe máy. Trẻ không được "sản xuất" từ cùng
một nhà máy giống nhau mà mỗi đứa trẻ lại được lớn lên trong một gia
đình có nguồn gen, thói quen ăn uống, thể chất khác nhau. Do đó, tuyệt
đối đừng bao giờ so sánh con mình với "con hàng xóm" mà chỉ nên so sánh
con với chính con của ngày hôm qua.
Một đứa trẻ bình thường, có tinh thần ổn định sẽ không bao giờ để
mình tự chết đói. Và thực ra, lượng thức ăn mà trẻ cần để có thể đủ
năng lượng hoạt động và phát triển luôn ít hơn nhiều so với những gì cha
mẹ tưởng tượng. Do đó, cha mẹ đừng bao giờ lo lắng việc trẻ từ chối ăn
có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con", bác sĩ Jonathan cho biết.
Bác sĩ Nhi khoa người Israel Jonathan Halevy.
Chia sẻ cách giúp trẻ ăn uống hiệu quả một cách khoe học, bác sĩ Jonathan cho biết có một số nguyên tắc vàng như sau:
Mẹ là người quyết định con ăn cái gì, khi nào, ở đâu. Trẻ là người quyết định ăn bao nhiêu
Trẻ em biết rõ khi nào mình đói bụng và một đứa trẻ bình thường sẽ
không bao giờ để mình "chết đói", đó là bản năng. Do đó, mẹ hãy tôn
trọng trẻ, để bé được thoải mái lựa chọn lượng thức ăn phù hợp với mình.
Không cố đút thức ăn vào miệng con
Cách bê một bát cháo lớn, đút liên tục với "tốc độ" 3 giây một thìa,
vài phút xong bát cháo to sẽ khiến trẻ không được biết mình ăn gì, không
có thời gian nếm, mất đi niềm vui trong ăn uống. Một trải nghiệm trẻ
phải vui, phải thích thì mới muốn tiếp tục lần sau.
Do đó, mẹ đừng cố đút thức ăn vào miệng con. Hãy đưa thìa thức ăn đến
gần miệng trẻ, để con được quan sát món ăn và chờ đợi bé tự há miệng
thưởng thức. Cách cho ăn với khác biệt nhỏ này sẽ mang lại hiệu quả
lớn.
Khi con không chịu ăn, đừng "đánh đổi" bằng một món ăn khác
Nếu bé từ chối một loại thức ăn và kiên quyết không ăn, đừng "treo
thưởng" cho con bằng một món ăn khác. Cách "đổi chác" như vậy sẽ khiến
bé hiểu rằng từ chối không ăn sẽ được "thưởng" bằng một món ăn yêu
thích.
Một bữa ăn chỉ kéo dài trong nhiều nhất 30 phút
Mức độ tập trung của trẻ không cao. Nếu ép trẻ ngồi lâu hơn 20-30
phút, bé sẽ nhanh chóng mất kiên nhẫn, cảm thấy khó chịu và mệt mỏi. Khi
đó, việc ăn uống của con không còn hiệu quả.
Dù trẻ đã ăn xong hay là chưa, mẹ cũng nên cất thức ăn khỏi tầm mắt
bé. Cách làm này vừa không làm trẻ mệt mỏi, đồng thời dạy bé hiểu được
rằng, nếu con không ăn nhanh, con sẽ không được ăn tiếp.
Phương pháp "ăn một miếng thôi"
Đây là cách làm hiệu quả đổi với những em bé kén chọn khi ăn. Mẹ nên
lấy một lượng thức ăn nhỏ, đặt vào giữa một cái đĩa thật to. Sự tương
phản sẽ khiến sẽ thấy món ăn này quá bé, có thể ăn hết một cách đơn giản
và đồng ý ăn thử. Mẹ có thể dùng "thoả thuận" này khi muốn con làm quen
với một món mới.