1. Cách chăm sóc điều trị bé viêm phế quản
Viêm phế quản cấp tính là tình trạng viêm niêm mạc của các ống phế quản, các đường dẫn khí rỗng nối phổi với khí quản. Tình trạng viêm có thể do nhiễm trùng hoặc do các yếu tố khác gây kích ứng đường thở như hút thuốc lá, dị ứng và tiếp xúc với khói bụi, hóa chất...
Bệnh lý viêm phế quản xảy ra khi một hoặc nhiều đoạn trong hệ thống phế quản bị viêm, sưng tấy và có nhiều dịch nhầy gây cản trở hô hấp.
Người bệnh viêm phế quản cần được chăm sóc điều trị đúng cách. Bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ điều trị.
Nếu bị sốt < 38,5°C nên chườm ấm để hạ sốt nhanh hơn.
Trường hợp sốt cao > 38,5°C cần uống thuốc hạ sốt Paracetamol theo hướng dẫn.
Có thể dùng thêm các thuốc long đờm, thuốc giãn phế quản khí dung theo chỉ định. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh nên uống nhiều nước. Nếu sốt cao, tiêu chảy, trẻ em có nôn trớ cần uống oresol pha theo chỉ dẫn để bù nước.
Luôn giữ ấm cơ thể. Nằm nghỉ trong phòng thoáng, sạch sẽ, tránh gió lùa. Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý 0.9%.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân viêm phế quản cần được nghỉ ngơi và tăng cường dinh dưỡng đúng cách để nhanh hồi phục sức khỏe.
2. Bệnh nhân viêm phế quản nên ăn uống như thế nào?
2.1. Thực phẩm nên dùng
Bệnh nhân nên ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn, tươi ngon và đầy đủ chất: bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Cụ thể: các loại ngũ cốc; thịt, cá, trứng, sữa...; dầu mỡ; rau xanh và trái cây tươi.
2.2. Cách chế biến
- Thức ăn nên được nấu nhừ, dạng lỏng như: cháo, súp… giúp người bệnh dễ ăn và tiêu hóa tốt. Thức ăn lỏng cũng giúp làm loãng đờm nhớt, bệnh nhân không bị kích thích ho nhiều.
- Nên chế biến các món hấp, luộc, canh, hầm… Hạn chế các món chiên, xào, nướng nhiều gia vị và dầu mỡ dễ gây kích ứng hô hấp và không tốt cho tiêu hóa.
- Một số món ăn giàu dinh dưỡng tốt cho người bệnh như: cháo thịt gà, súp gà, cháo thịt lợn, cháo thịt bò cà rốt, canh gà hầm, canh trứng gà mật ong…
2.3. Ăn đúng cách
Khi bị viêm phế quản, bệnh nhân thường bị sốt, ho nhiều, sổ mũi, ngạt mũi, khó thở… nên rất mệt mỏi, ăn kém. Vì vậy, nên cho bệnh nhân ăn ít một, chia thành nhiều bữa.
Đối với trẻ nhỏ, do trẻ ho nhiều và cổ họng có nhiều đờm nhớt nên rất dễ nôn trớ. Vì vậy, trước khi cho trẻ ăn nên cho trẻ uống vài thìa nước, hoặc vỗ rung để giải phóng đờm nhớt, giúp trẻ thở dễ hơn, khi ăn cũng ít bị buồn nôn và nôn trớ.
2.4. Uống nhiều nước
Bệnh nhân viêm phế quản dễ bị mất nước do sốt, nôn mửa và tiêu chảy. Vì vậy, cần uống nhiều nước để bổ sung đủ nước cho cơ thể. Uống nhiều nước còn làm dịu họng, làm loãng đờm nhớt, giúp người bệnh dễ dàng khạc nhổ ra hơn.
3. Bổ sung thực phẩm tăng cường miễn dịch
Các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chứa chất chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch như rau củ quả tươi có vai trò rất quan trọng, giúp hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp, trong đó có viêm phế quản. Vì thế, thực đơn của người bệnh nên tăng cường các loại rau củ quả:
- Các loại rau củ quả có màu đậm, các loại rau lá xanh: rau ngót, cải bó xôi, cải xoăn, bông cải xanh...
- Các loại trái cây giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C như: cam, nho, dâu tây, đu đủ, táo, lê, chuối…
Người bệnh cần lưu ý:
- Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt.
- Tránh ăn thức ăn nhiều gia vị, dầu mỡ dễ gây buồn nôn, khó tiêu.
- Không uống rượu, bia và các chất kích thích như cafe, đồ uống có gas.
- Không sử dụng đồ ăn thức uống lạnh…