Chăm bé bằng sữa công thức không quá khó, tuy nhiên, có một vài
nguyên tắc các mẹ bỉm sữa cần tuân theo để đảm bảo dinh dưỡng và an toàn
cho bé. Nếu nắm được các nguyên tắc này ngay từ đầu, chỉ sau một thời
gian ngắn, việc cho con uống sữa công thức đúng cách sẽ trở nên tự nhiên
và dễ dàng với các bà mẹ.
Hãy cùng tìm những sai lầm thông thường mà nhiều mẹ bỉm sữa hay mắc phải để tránh nhé.
1. Dụng cụ pha sữa
- Tìm cách làm to lỗ trên núm vú giả của bình sữa:
Nhiều mẹ nghĩ rằng sữa chảy ra từ bình quá chậm sẽ khiến bé bị mệt
khi bú, do đó đã tìm cách khiến lỗ trên núm vú giả to ra để con bú sữa
được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, lỗ này quá rộng có thể khiến cho bé bị sặc
sữa, hơn nữa khi sữa chảy ra quá nhiều buộc bé phải nuốt nhanh hơn, bé
cũng sẽ nuốt không khí nhiều hơn – điều này có thể khiến cho bé bị đau
bụng.
Chưa kể đến việc những lỗ “tự chế” trên núm vú giả có thể có những
cạnh sắc gây nguy hiểm cho bé. Thay vì tự xử như vậy, khi mua núm vú
giả, hãy chú ý đến nhãn dán trên đó và chọn loại phù hợp với lứa tuổi
của con bạn.
- Không thay mới núm vú giả đã hỏng
Đừng tiết kiệm khoản này. Bạn nên thay mới núm vú giả khi bé đã lớn
hơn, hoặc khi núm vú bị rách, nứt hay bị bé cắn. Miếng rách từ núm vú có
thể khiến cho bé bị hóc.
Ngoài ra, các vết bẩn và vi khuẩn đọng lại trên các vết nứt rất khó
nhìn thấy bằng mắt thường. Do vậy để đảm bảo an toàn, các mẹ nên lưu ý
thay núm vú giả 3 tháng 1 lần.
Cứ 3 tháng nên thay núm vú giả bình sữa 1 lần. Ảnh minh họa
2. Công thức
- Không phù hợp với độ tuổi
Sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh cần phải được lựa chọn kỹ càng cho
phù hợp với độ tuổi của bé. Trên nhãn của sữa công thức có chứa thông
tin chính xác loại sữa này dành cho bé trong độ tuổi nào. Mỗi độ tuổi sẽ
có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, và sữa công thức đã được tính toán phù
hợp với mỗi độ tuổi đó, các mẹ có thể tin tưởng các nhà sản xuất về
phương diện này.
- Tỷ lệ sai
Khi pha sữa cho con, các bà mẹ nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn trên
sản phẩm. Không pha sữa quá loãng hoặc quá đặc. Qúa nhiều protein và
khoáng chất sẽ khiến hệ tiêu hóa và thận của bé bị quá tải. Ngược lại
sữa quá loãng sẽ khiến bé bị thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Khi pha sữa nên tuân thủ theo đúng tỷ lệ được hướng dẫn. Ảnh minh họa
- Dùng nước máy để pha sữa
Trong mọi trường hợp không thể dùng nước máy để pha sữa cho trẻ nhỏ.
Có thể dùng nước tinh khiết đóng chai nhưng nguồn nước phải đảm bảo chất
lượng, không để dưới ánh nắng mặt trời.
- Chuẩn bị sẵn sữa để dùng sau
Sữa nên được pha ngay trước khi sử dụng, để lâu sẽ làm mất chất dinh
dưỡng trong sữa. Nếu bạn có kế hoạch đưa bé ra ngoài chơi, hãy chuẩn bị
sẵn sữa bột, và nước trong bình giữ nhiệt. Khi nào bé cần ăn thì chỉ cần
pha sữa với nước và cho bé ăn ngay lúc đó.
3. Vệ sinh
- Dụng cụ không được vệ sinh đúng cách
Bình sữa hoặc núm vú giả không sạch sẽ có thể gây ra nhiều bệnh về dạ
dày. Nước bọt đọng lại trên núm vú giả, sữa thừa đọng lại là một môi
trường lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn.
Cho đến khi bé được 6 tháng tuổi, dụng cụ pha sữa cho bé cần phải
được rửa sạch sau đó đun sôi. Sau khi bé lớn hơn, bạn có thể không cần
đun sôi mọi thứ sau khi sử dụng nữa nhưng vẫn nên thực hiện vài ngày một
lần.
Vệ sinh dụng cụ sạch sẽ là một bước vô cùng quan trọng trước khi cho bé bú sữa. Ảnh minh họa
- Thử sữa trước khi cho bé ăn
Có đôi khi bố mẹ vì muốn kiểm tra nhiệt độ của sữa mà “mút” thử. Bạn
tuyệt đối không nên làm như vậy bởi trong miệng người lớn có những vi
khuẩn và vi sinh vật trong miệng người lớn tuy không gây hại cho người
lớn nhưng có thể gây nguy hiểm cho các bé. Những mầm bệnh từ người lớn
sẽ gây ra hậu quả không lường cho trẻ nhỏ. Để kiểm tra nhiệt độ của sữa,
bạn nên nhỏ một vài giọt sữa lên phía lên trong khuỷu tay hoặc cổ tay.
Nhỏ vài giọt sữa lên mặt trong cổ tay để kiểm tra nhiệt độ xem vừa chưa. Ảnh minh họa
- Để dành sữa thừa của cho lần sử dụng sau
Đầu tiên như chúng ta đã đề cập, chỉ có sữa mới pha mới giữ được chất
dinh dưỡng đầy đủ. Thứ hai, trong suốt quá trình bé bú, vi khuẩn có thể
xâm nhập vào sữa. Khi sữa thừa được giữ lại, vi khuẩn càng nhân lên
nhiều hơn gây nguy hiểm cho cơ thể nhạy cảm của bé. Hơn nữa khi lọ và
núm vú giả đã khô lại sẽ rất khó khăn để vệ sinh. Do đó tốt nhất các bà
mẹ hãy tạo thói quen đổ sữa thừa đi nếu bé không dùng hết.
Sữa nếu không dùng hết thì buộc phải bỏ đi, đừng tiết kiệm dùng lại. Ảnh minh họa
4. Thói quen xấu
- Để cho bé ngủ khi đang uống sữa
Bé thường buồn ngủ khi bú sữa, đặc biệt là vào buổi tối. Tuy nhiên
các bà mẹ được khuyến cáo không nên cho dùng bình sữa để ru bé ngủ. Bé
ngủ gật khi vẫn còn ngậm bình sữa không tốt cho răng của bé sau này.
- Cho bé ăn quá nhiều
Khi cho trẻ dùng sữa công thức, bạn nên tuân thủ theo liều lượng đã
được khuyến nghị dành cho từng độ tuổi. Liều lượng phù hợp các mẹ có thể
tham khảo như sau:
+ Trẻ 1 tháng tuổi: 90-110ml/lần, 7 lần/ngày
+ Trẻ 2 tháng tuổi: 110-130ml/lần, 6 lần/ngày
+ Trẻ 3 tháng tuổi: 130ml/lần, 6 lần/ngày
+ Trẻ 4 tháng tuổi: 150ml/lần, 6 lần/ngày
+ Trẻ 5 – 6 tháng tuổi: 180ml/lần, 4 lần/ngày
+ Trẻ 7-9 tháng tuổi: 180-200ml/lần, 4 lần/ngày
+ Trẻ 10-12 tháng tuổi: 180-220ml/lần, 3 lần/ngày
Nhu cầu cá nhân của từng bé có thể khác đôi chút, nhưng vẫn nên tuân theo các tiêu chuẩn trên.
- Dỗ dành bé bằng cách cho bú sữa
Nhiều bà mẹ vội vàng dùng bình sữa để dỗ con bất cứ khi nào thấy bé
khóc. Trước hết, việc này sẽ dẫn đến lượng sữa bé uống trong ngày vượt
mức tiêu chuẩn. Thứ hai, nếu bé đang khóc mà mẹ cho bé bú sữa, bé có thể
dễ dàng bị sặc.
Trước khi đưa bình sữa cho con, nên ôm bé vào lòng, nựng để bé nín
khóc. Đừng sử dụng thức ăn như là một núm vú giả tiện dụng. Bé có thể
khóc vì rất nhiều lý do chứ không chỉ vì đói: có thể tã của bé bị ướt,
bé thấy khó chịu hay thậm chí đơn giản là “đòi” bố mẹ.