KẾ HOẠCH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG HỌC
LĨNH VỰC PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC – KHÁM PHÁ
KHOA HỌC
Chủ điểm
Đề tài
NDTH
Thời gian
Ngày thực hiện
Lớp
Giáo viên
:Nước và hiện tượng tự nhiên.
:Vì sao có mưa?
:Văn học “Giọt nước tí xíu”
Âm nhạc “Cho tôi đi làm mưa với”
:25-30 phút
:06/04/2023
:Chồi 1
:Dương Thị Huyền Thịnh
Quy Nhơn, 2022-2023
I.MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU:
1. Kiến thức:
- Trẻ biết một số hiện tượng tự nhiên như (mây, mưa, sấm chớp, hiện tượng bốc
hơi nước).
- Biết được quan cảnh trước khi mưa.
- Trẻ biết lợi ích và tác hại của của mưa đối với cuộc sống của con người, các loài
vật.
- Trẻ giải thích được hiện tượng bốc hơi nước, vì sao có mưa.
2. Kĩ năng:
- Rèn khả năng chú ý, quan sát, ghi nhớ có chủ định.
- Phát triển tư duy, tưởng tượng qua hoạt động khám phá thử nghiệm.
- Rèn kĩ năng vận động linh hoạt, nhanh nhẹn, khéo léo trong các trò chơi.
3. Giáo dục:
- Giáo dục trẻ biết giữ gìn sức khỏe, không ra ngoài khi trời mưa, nghe lời người
lớn.
- Giáo dục trẻ không đứng dưới gốc cây, trụ điện khi có sấm chớp.
- Giáo dục trẻ có hứng thú học tập, hợp tác với cô trong hoạt động.
II. CHUẨN BỊ:
1.Chuẩn bị của cô:
- Phương tiện: Xắc xô, máy vi tính, máy chiếu, hệ thống các câu hỏi liên quan đến
hoạt động.
- Mũ tượng trưng cho cô Mây.
- Trang trí phông màn cuộc thi “ Rung chuông vàng ”.
- 3 ô cửa với các hình ảnh về trời mưa, lũ lụt.
- Video về trời mưa, sấm chớp.
- Video câu chuyện “Giọt nước tí xíu”.
- Bàn, bếp ga mini, nồi thủy tinh.
2. Chuẩn bị của trẻ:
- Thuộc lời bài hát: “ Cho tôi đi làm mưa với ”, “ Trời nắng trời mưa”.
- Mũ hình giọt nước, mây đen, mây trắng, mặt trời.
- Chuông rung cho các nhóm chơi.
- 4 bộ tranh ảnh:
+ Tranh 1: Ao, hồ, sông, suối có nước.
+Tranh 2 : Mặt trời chiếu xuống ao, hồ làm nước bốc hơi
+Tranh 3 : Phía trên ao, hồ có các đám mây.
+Tranh 4 : Mưa.
- Không gian lớp học rộng rãi, thoáng mát.
III. PHƯƠNG PHÁP – BIỆN PHÁP:
- Phương pháp: Trực quan, thực hành, dùng lời.
- Biện pháp: Quan sát, nhắc nhở, đàm thoại, động viên.
IV. TIẾN TRÌNH HOẠT ĐỘNG:
*Hoạt động 1: Rung chuông vàng
- Chào mừng các bạn đến với trò chơi “ Rung chuông vàng”.
- Tạo tình huống: Cô dẫn chương trình là cô Mây xinh đẹp cùng với sự tham gia
của các đội chơi:
+ Đội giọt nước
+ Đội mây trắng
+ Đội mây đen
+ Đội mặt trời
-Đến với hội thi này, mỗi đội sẽ được tặng một cái chuông. Các bạn sẽ lắng nghe
yêu cầu, câu hỏi của ban tổ chức.Các bạn sẽ suy nghĩ thật nhanh, cầm chuông rung
lên và trả lời.Đội nào trả lời đúng sẽ mở được ô cửa, trả lời sai nhường quyền trả
lời cho đội khác.
- Câu hỏi số 1: Cho trẻ nghe nhạc bài hát “ Cho tôi đi làm mưa với ”. Yêu cầu trẻ
đoán tên bài hát.
Mở ô cửa số 1: Hình ảnh về trời mưa
- Cô gợi ý trẻ đàm thoại về bức tranh:
+ Hình ảnh nói về điều gì? ( Hình ảnh về mưa, mọi người mang ô dù, áo mưa khi
đi dưới trời mưa )
+ Nắng, mưa là những hiện tượng tự nhiên mà thường ngày chúng ta vẫn hay gặp,
vậy các bạn có biết gì về mưa không nào? ( Mưa làm ướt mọi thứ ở ngoài trời như:
làm ướt cây cối, đồ chơi ở sân trường, đi đường có nhiều nước, ba mẹ chở đi học
phải mặc áo mưa…vv ).
+Khi trời mưa, các con sẽ thấy điều gì trên bầu trời? ( Sấm sét, trời âm u, nhiều
mây đen ).
-Cho trẻ xem video về trời mưa và sấm chớp, trò chuyện với trẻ về đoạn video:
+ Sấm sét nguy hiểm như thế nào?
+ Vậy làm thế nào để chúng ta có thể tránh được sấm sét? ( Khi có sấm sét phải ở
trong nhà, không được đứng dưới gốc cây, trụ điện ).
Lồng ghép nội dung giáo dục: Khi trời mưa, chúng ta không được đi ra
ngoài đường, trừ khi có người lớn dẫn đi. Không trú mưa dưới gốc cây hay trụ
điện. Khi đi ra ngài lúc trời mưa phải có ô dù, áo mưa nếu không sẽ bị ướt và bị
đau ốm.
-Câu hỏi số 2:Yêu cầu trẻ giải cấu đố:
“Đựng trong chậu thì mềm
Rửa bàn tay sạch quá
Vào tủ lạnh hóa đá
Rắn như đá ngoài đường
Sùng sục trên bếp đun
Nào tránh xa, kẻo bỏng
Tôi là ai bạn nhỉ?” (nước)
Mở ô cửa số 2: Cây cối xanh tốt nhờ có mưa
-Cô gợi ý để trẻ đàm thoại về bức tranh:
+ Mưa có rất nhiều lợi ích trong cuộc sống của chúng ta, vậy bạn nào biết mưa
giúp ta những gì? ( Mưa giúp cây cối tốt tươi, giúp bác nông dân không phải tưới
nước cho rau, cây trồng, con người có nước để dùng, giúp khí hậu mát mẻ…vv ).
-Câu hỏi số 3: Nhóm bạn hãy hát bài “ Trời nắng, trời mưa”.
Mở ô cửa số 3: Hình ảnh lũ lụt
-Cô gợi ý để trẻ đàm thoại về bức tranh:
+ Nếu mưa to và nhiều nước thì sẽ dẫn tới điều gì? ( Ngập lụt ).
+ Ngập lụt là như thế nào? ( Nước ngập nhiều trên đường, làm ngập nhà cửa, cây
cối, các phương tiện giao thông không thể đi lại được ).
+ Vậy nếu trời không mưa thì sẽ ra sao? (Sẽ không có nước dùng, cây cối khô héo)
=>Cô khái quát: Trời mưa giúp cho chúng ta có nước để dùng, cây cối xanh tốt,
các con vật có nước để uống, thời tiết mát mẻ, nếu trời không mưa thì sẽ bị hạn
hán, con vật, cây cối đều khô héo., nhưng trời mưa to và nhiều quá cũng không tốt,
sẽ làm cho lũ lụt, ngập nhà, các bạn không có nhà ở, không được đi học.
*Hoạt động 2: Vì sao có mưa?
-Tổ chức trò chơi: “Trời mưa”.
-Các bạn đã thấy trời mưa, biết được ích lợi, tác hại của mưa nhưng để biết vì sao
có mưa , cô Mây mời các bạn cùng xem chuyện “ Giọt nước tí xíu”.
*Cô cho trẻ xem video câu chuyện “Giọt nước tí xíu”.
+ Bạn tí xíu chính là giọt nước. Vậy nước có ở những nơi nào trên mặt đất?( Có ở
biển, sông, ao, hồ).
-Trẻ quan sát hình ảnh về các nguồn nước:
+ Vì sao nước lại bay được lên cao cùng với ông mặt trời? (Khi ông mặt trời tỏa
ánh nắng, nước sẽ bốc hơi và bay lên ).
-Trẻ quan sát hình ảnh nước bốc hơi lên.
- Cho trẻ đọc “ nước bốc hơi”
+ Khi bay lên trời nước sẽ trở thành gì?.( Trở thành mây bay lơ lửng ).
-Trẻ xem hình ảnh những đám mây trên bầu trời:
+ Đám mây khi gặp không khí lạnh thì sẽ như thế nào? (tạo thành những giọt nước
rơi xuống mặt đất gọi là trời mưa).
-Trẻ xem hình ảnh những đám mây đen tạo sấm chớp chuẩn bị mưa:
- Cô khái quát lại: Những đám mây gặp gió, không khí lạnh tụ lại thành đám mây
lớn, chuyển dần sang màu đen, va vào nhau tạo nên sấm chớp, lúc này mây tan ra
thành nước rơi xuống mặt đất, gọi là hiện tượng gì? (hiện tượng trời mưa). Cho trẻ
đọc “ Trời mưa”
- Để hiểu được rõ nước bốc hơi như thế nào? Mời các bạn đến thăm phòng thí
nghiệm của cô Mây.
* Cô tiến hành thí nghiệm nhỏ để giải thích về hiện tương bốc hơi nước.
-Đổ nước vào nồi bằng thủy tinh và đặt lên bếp đun.Trước khi đun cho trẻ quan sát
nắp nồi và hỏi: Bạn nhìn xem nắp nồi khô hay ướt?.
- Cô bật bếp đun và hỏi : Nước đã nóng lên chưa? Vì sao?
- Trẻ quan sát, phát hiện sự thay đổi khi nước bị đun nóng. Khi nước sôi được một
phút, cô mở nắp nồi và hỏi trẻ:
+Các bạn thấy có gì bay lên ? (Hơi nước bay lên)
+Nắp nồi bây giờ như thế nào? Có gì khác trước? (có nhiều giọt nước bám vào
trong nắp nồi).
+Nước này từ đâu mà có? Do hơi nước nóng bay lên, ngưng tụ lại thành các giọt
nước bám vào nắp nồi
+Các bạn thấy những giọt nước này giống cái gì? (hạt mưa)
- Hỏi trẻ: Vậy các bạn hãy cho cô biết vì sao có mưa? (do trời nắng nóng làm nước
bốc hơi lên tạo thành mây, mây gặp gió lạnh tụ lại, tan ra thành những giọt nước
rơi xuống mặt đất, tạo thành mưa)
=>Cô kết luận: Khi trời nắng nóng, nước ở các ao, hồ, sông, suối, biển …bốc hơi
lên bầu trời ngưng tụ lại tạo thành những đám mây trắng. Khi gặp không khí lạnh,
đám mây đổi thành màu đen, và tạo thành những giọt nước rơi trẻ về mặt đất,
chúng ta gọi đó là mưa.
* Hoạt động 3: Trò chơi “ Bé là nhà khoa học”
* Cách chơi:
- Cô Mây đã chuẩn bị 4 bộ tranh, mỗi bộ 4 bức tranh.
+Tranh 1: Ao, hồ, sông, suối có nước.
+Tranh 2: Mặt trời chiếu xuống ao, hồ làm nước bốc hơi.
+Tranh 3: Phía trên ao, hồ có các đám mây.
+Tranh 4: Mưa
- Mỗi đội sẽ cử 4 bạn lên tham gia trò chơi.
- Các đội sẽ lần lượt bật qua khe suối và xếp tranh theo trình tự hình thành mưa.
- Sau một bài hát cô nhận xét và tuyên dương, động viên trẻ.
- Cho cả lớp hát múa “ Cho tôi đi làm mưa với”
- Kết thúc hoạt động.