Quyết tâm đưa Hà Nội gia nhập mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO, công tác khuyến học được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương, từng cá nhân trên địa bàn Thủ đô đã, đang cụ thể hóa các giải pháp để đưa nghị quyết vào cuộc sống, chung sức quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Xác định vị trí, vao trò và sứ mệnh của Thủ đô Hà Nội trong việc xây dựng xã hội học tập, thời gian qua, công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn thành phố được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, huy động sự chung sức của cả hệ thống chính trị.
Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, Hà Nội đã hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” theo Quyết định số 89/QĐ-TTg của Chính phủ, trong đó có nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Cụ thể, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt 99,97% (cả nước đạt 97,85%); số cán bộ, công chức được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định đạt 100% (cả nước đạt 94,22%)…
Kết quả ấy có sự góp sức không nhỏ của hội viên hội khuyến học ở từng tổ dân phố, cụm dân cư. Đơn cử như người dân tổ dân phố số 1, phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) biết đến bà Vương Thị Hòa (70 tuổi) về sự nhiệt huyết, tích cực trong việc vận động các hội viên trong khu tập thể, kết hợp với chi bộ cơ sở vận động đảng viên ủng hộ quỹ khuyến học.
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác khuyến học thời gian qua ở một số nơi còn chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ; việc vận động, xây dựng quỹ khuyến học còn thấp so với tiềm năng... Nguyên nhân cơ bản là do nhận thức của một số cấp ủy Đảng, người đứng đầu hạn chế, chưa thống nhất. Nghị quyết số 23-NQ/TU được ban hành với những giải pháp, mục tiêu cụ thể chắc chắn sẽ tạo bước chuyển rõ nét trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thêm nguồn động lực mạnh mẽ cho những người làm khuyến học.
Một trong những nhiệm vụ, cũng là giải pháp trọng tâm được nêu tại Nghị quyết số 23-NQ/TU là phát huy vai trò của hội khuyến học các cấp trong việc đồng hành cùng hệ thống chính trị, toàn dân để tạo nên phong trào thi đua khuyến học, nhân rộng các mô hình học tập.
Thể hiện tinh thần gương mẫu của đảng viên, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) Đặng Thị Thu Phương cho biết, để tăng nguồn lực động viên học sinh khó khăn, sẽ tiếp tục đổi mới hình thức vận động gây quỹ khuyến học bằng nhiều hình thức như quyên góp tiền, dụng cụ học tập, phương tiện đi học cũng như các đồ dùng thiết yếu khác...
Trong 5 năm qua, dòng họ Bùi Đình ở thôn Điệp Thôn, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) đều được công nhận “Dòng họ học tập” tiêu biểu. Ông Bùi Đình Bộ (thôn Điệp Thôn) cho biết, bản thân ông là người trưởng thành từ nguồn vay quỹ khuyến học của dòng họ để đi học. Giờ đây, khi đã đi làm, xây dựng gia đình riêng, có điều kiện kinh tế, ông không chỉ hoàn trả khoản vay mà luôn tích cực đóng góp để các thế hệ con cháu trong họ tiếp tục được sử dụng nguồn quỹ này hiệu quả.
Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, việc vận động đăng ký các mô hình học tập đã được các cấp hội và ngành Giáo dục cũng như các địa phương tập trung triển khai, coi đây là nền tảng vững chắc để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Năm 2023, có 75,6% số gia đình đăng ký thi đua xây dựng mô hình “Gia đình học tập”; tỷ lệ đăng ký “Dòng họ học tập” là 71,5%; tỷ lệ đăng ký “Cộng đồng học tập” là gần 94%; tỷ lệ đăng ký “Công dân học tập” là 75%...
Với trách nhiệm là lực lượng nòng cốt, các hội viên khuyến học thành phố tiếp tục phát huy trách nhiệm, đồng hành cùng các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyết tâm góp sức hoàn thành mục tiêu đưa thành phố Hà Nội gia nhập mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO vào năm 2030 như mục tiêu Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Thành ủy Hà Nội.
Nguyễn Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội:
Nhân rộng phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài