Kết quả là đã nâng cao chất lượng, gia tăng chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản ở thị trường trong và ngoài nước.
Nhiều rào cản kỹ thuật thương mại
Theo Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa, thời gian qua, việc mở cửa thị trường, thực thi 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) khác nhau đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng được cắt giảm thuế, thậm chí nhiều mặt hàng còn được hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, các sản phẩm của Việt Nam phải phù hợp với các đối tượng thị trường khác nhau, đáp ứng nhiều quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực, động vật...
Còn theo Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Trương Thùy Linh, các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng, nhất là khi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ thông qua các hiệp định thương mại tự do. Hiện tại, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 253 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Ngoài các vụ việc khởi xướng mới, có rất nhiều vụ việc đã có hiệu lực và đang tiếp tục được rà soát, tạo ra áp lực đối với Chính phủ và các doanh nghiệp.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc, học tập và hằng năm đón hàng triệu du khách trong nước, quốc tế, nên nhu cầu tiêu thụ nông sản rất lớn. Trong khi đó, thị trường Hà Nội có đa dạng nguồn cung hàng hóa, thực phẩm, nông, lâm, thủy sản, nên vấn đề bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm là hết sức quan trọng. Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm, ngăn chặn và xử lý kịp thời, yêu cầu khắc phục các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các cơ sở phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của ngành Nông nghiệp thường xuyên được cập nhật các thông tin, nhu cầu, thị hiếu, xu hướng tiêu dùng, những quy định, yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xu hướng thị trường xuất khẩu là rất cần thiết”, ông Nguyễn Đình Hoa nhấn mạnh.
Tuân thủ các điều kiện về an toàn thực phẩm
Để có thể đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm phục vụ thị trường trong và ngoài nước, bà Lê Lan Hương, đại diện Phòng An toàn thực phẩm (Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT) cho rằng, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cần thiết lập quy trình tự kiểm tra trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tuân thủ quy định, yêu cầu của Việt Nam và các thị trường nhập khẩu. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề giám sát nguyên liệu đầu vào, có dữ liệu tất cả vùng nguyên liệu thu mua phục vụ chế biến để chứng minh, trong trường hợp cần kiểm tra hay truy xuất lại lô hàng liên quan đến kiểm tra mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.