Nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập Zing Zing, quận Đống Đa, bị đình chỉ hoạt động, sau khi bị phụ huynh tố cho trẻ 1 tuổi ăn mì tôm.
Thông tin được nêu trong báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa, hôm 8/8.
Sự việc bắt nguồn từ một bài viết trên Facebook. Người đăng bài cho biết hiệu trưởng một trường mẫu giáo ở khu vực Phương Mai cho học sinh hơn 1 tuổi ăn mì tôm hai lần một tuần, kèm ảnh chụp mâm có 8 bát mì "không người lái" và vài hộp caramen.
Ngoài ra, bài đăng còn chia sẻ video các bữa ăn khác, khi là bát mì trắng, bữa là cháo rau xay loãng... Trẻ thường được cho ăn mì tôm vào bữa phụ lúc 14h30, ảnh do giáo viên chủ nhiệm cung cấp. Gia đình nhiều lần hẹn gặp cô hiệu trưởng để hỏi nhưng bị trì hoãn hoặc phủ nhận.
Theo người đăng bài, học phí ở đây khoảng 4 triệu đồng một tháng, trong đó tiền ăn là 50.000 đồng một ngày.
Nhà chức trách cho biết nhóm trẻ được thành lập năm ngoái, hiện có 2 lớp với 16 trẻ. Sau khi nắm thông tin vụ việc, quận Đống Đa đã lập đoàn kiểm tra và phát hiện nhóm lớp trên vi phạm nhiều quy định trong quản lý, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Cụ thể, số giáo viên ở đây (4 người) không đúng với hồ sơ xin cấp phép, thiếu hợp đồng lao động, bằng cấp, giấy khám sức khỏe. Hai trong 4 giáo viên không có bằng về giáo dục mầm non.
Chất lượng giáo dục và nuôi dưỡng trẻ không đảm bảo: Cơ sở không có hệ thống sổ quản lý nhóm lớp; xây dựng thực đơn chưa phù hợp, không tính khẩu phần ăn cho trẻ hàng ngày, chưa đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm khi chế biến...
"Chế biến mì tôm cho trẻ 1 tuổi là không phù hợp", trích báo cáo.
UBND phường Phương Mai đã tạm dừng hoạt động Nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập Zing Zing từ 9/8 vì không thực hiện đúng quy định, vi phạm quy chế chuyên môn. Nhà chức trách sẽ phối hợp, đề nghị các cơ sở mầm non trên địa bàn tiếp nhận trẻ ở cơ sở này chuyển đi.
Theo Thông tư 49 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục mầm non độc lập do cá nhân hoặc cộng đồng dân cư đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định. Tùy quy mô (dưới 7 hoặc trên 7 trẻ), giáo viên phải đạt tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, trình độ đào tạo (từ cao đẳng sư phạm trở lên), được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.