Sự việc xảy ra ngay tháng đầu tiên của năm học 2024-2025 lại càng dấy lên nỗi lo về nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong và ngoài cổng trường. Với quy mô học sinh lớn nhất cả nước, ngành Giáo dục Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh.
Nhiều nguy cơ rình rập
Sự việc xảy ra chiều 30-9 khi hơn 200 học sinh Trường Trung học cơ sở Bình Minh (huyện Thanh Oai) sử dụng sản phẩm nước uống đóng chai được phát miễn phí ở ngoài cổng trường. Nhà trường ghi nhận 30 học sinh có triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, trong đó có 9 học sinh khám tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai, 21 học sinh theo dõi tại trường.
Cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước ngọt mà học sinh sử dụng để đi xét nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, các mẫu nước ngọt này đều đạt tiêu chuẩn. Theo Phòng Y tế huyện Thanh Oai, các triệu chứng học sinh gặp có thể do đã uống một lượng lớn nước ngọt.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai Đoàn Việt Dũng cho biết, sức khỏe của các học sinh ổn định, đi học bình thường. Sự việc chưa gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng để ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn đối với sức khỏe học sinh, các nhà trường cần tăng cường quản lý, nhắc nhở học sinh không mua, sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem mác; không nhận, sử dụng đồ ăn, thức uống từ người lạ…
Thời gian qua, tại các địa phương xảy ra nhiều vụ việc mất an toàn thực phẩm liên quan đến học sinh khiến dư luận lo lắng. Đó là việc hàng chục học sinh tỉnh Khánh Hòa nghi ngộ độc sau khi ăn quà vặt ngoài cổng trường, trong đó có một học sinh tử vong (tháng 4-2024); việc nhiều học sinh ở Hà Nội ăn kẹo lạ phải nhập viện (tháng 12-2023); một số học sinh quận Ba Đình (Hà Nội) bị tiêu chảy, nôn ói sau khi ăn bữa trưa tại trường (tháng 10-2023); việc 70 học sinh quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhập viện do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm ở thịt gà có trong suất ăn (tháng 3-2023)…