Phổ biến văn bản pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm
Phó Trưởng phòng Y tế huyện Mê Linh Hạ Thị Hương cho biết, trên địa bàn huyện có tổng số 2.367 cơ sở thực phẩm, trong đó lĩnh vực y tế có 811 cơ sở, lĩnh vực nông nghiệp có 832 cơ sở và lĩnh vực công thương có hơn 700 cơ sở. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 1 siêu thị, 16 cửa hàng tiện ích, 8 chợ với tổng số 6.654 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ. Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm, từ đầu năm 2024 đến nay, UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Theo đó, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao nhận thức, hành động của các tổ chức, cá nhân, cơ sở trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Toàn huyện tổ chức 33 buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề với 3.500 người tham dự, treo hơn 200 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trên các trục đường lớn và khu dân cư…
Còn với thị xã Sơn Tây, xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về bảo đảm an toàn thực phẩm, Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn cho biết, các phòng, ban, ngành chức năng của thị xã và các xã, phường đã tổ chức tuyên truyền về an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức, đẩy mạnh tuyên truyền trong các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, thị xã tổ chức rất nhiều hội thảo, tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm các xã, phường, đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể trên địa bàn thị xã…
“Nội dung tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và kiến thức thực hành về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Hướng dẫn người tiêu dùng kiến thức, thực hành trong lựa chọn, bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn; tuyên truyền các mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở, cá nhân có hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, cảnh báo sản phẩm thực phẩm không an toàn; tổ chức các chiến dịch truyền thông về an toàn thực phẩm tại các đợt cao điểm trong năm: Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu; tập huấn kiến thức, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm cho cán bộ làm công tác quản lý về an toàn thực phẩm từ tuyến thị xã đến các xã, phường”, ông Phạm Hùng Sơn cho biết thêm.