Theo TS Lê Thị Kim Cúc, giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương, trong giáo dục mầm non, ứng dụng công nghệ thông tin mang lại nhiều lợi ích thiết thực như tạo ra môi trường học tập thú vị và hấp dẫn trẻ, giúp trẻ dễ dàng tiếp thu kiến thức và phát triển các kỹ năng. Ứng dụng công nghệ cũng có thể được sử dụng để tạo ra hoạt động học tập tương tác, sinh động, phù hợp tâm lý và khả năng của trẻ.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ được sử dụng để lưu trữ thông tin về quá trình học tập của trẻ, giúp giáo viên và phụ huynh nắm bắt những điểm mạnh, điểm yếu của trẻ để hỗ trợ kịp thời. Thạc sĩ Đỗ Thị Thùy Liên, Trưởng phòng Phát triển chương trình, Công ty TNHH Digital Power Media cho biết: Cung cấp cho trẻ một môi trường học tập phù hợp và ứng dụng công nghệ trong hoạt động dạy học tích hợp có tác động đáng kể đối với sự phát triển toàn diện của trẻ.
Các ứng dụng công nghệ có thể giúp trẻ mở rộng từ vựng và nâng cao khả năng ngôn ngữ của mình. Qua việc nghe và tương tác với âm thanh, hình ảnh, trẻ có thể hiểu và sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và tự tin hơn, giúp quá trình học tập và tiếp thu dễ dàng hơn.
Là một trong những đơn vị đẩy mạnh công nghệ thông tin, chuyển đổi số hướng tới trường học thông minh, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Mai (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Trường đang phối hợp cùng phụ huynh thí điểm ứng dụng công nghệ AI & Quick check in điểm danh học sinh.
Ứng dụng này không chỉ giúp giáo viên điểm danh thông minh, phụ huynh an tâm khi con đã đến trường, được cập nhật tin tức, tình hình sức khỏe, học tập của con hằng ngày mà còn hỗ trợ nhà trường trong rất nhiều hoạt động vận hành và quản lý. Đây là một giải pháp hiệu quả.
Có thể thấy rằng, các tiến bộ về công nghệ đã mở ra một kho kiến thức vô cùng đa dạng và phong phú cho giáo viên và học sinh. Điển hình như thiết kế bài giảng điện tử kết hợp với âm thanh, hình ảnh, video trong bài giảng đã giúp cho học sinh tập trung và duy trì sự hứng thú trong suốt quá trình học tập.
Cô giáo Đỗ Thị Thảo, giáo viên Trường mầm non xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: Với trẻ mầm non, não bộ của trẻ thường có xu hướng lưu giữ lại kiến thức thông qua hình ảnh, video, âm thanh hơn là so với cách dạy học tương tác một chiều truyền thống.
Vì vậy, bài giảng điện tử chất lượng tốt sẽ giúp trẻ ghi nhớ, khắc sâu những kiến thức, kỹ năng, trở thành những trẻ em thông minh trong thời đại công nghệ số. Mỗi buổi học sẽ là những giờ phút khám phá đầy thú vị của cả cô và trò; học sinh phát triển toàn diện về cả giác quan lẫn nhân cách.
Để bài giảng điện tử đạt hiệu quả cao, theo cô Thảo, giáo viên cần đầu tư thời gian, cập nhật kịp thời xu thế thời đại, thay đổi tư duy, tìm hiểu những điều mới mẻ. Cùng với đó, kết hợp linh hoạt các phần mềm công nghệ để biến thành công cụ hỗ trợ thực hiện ý tưởng riêng của mình.
Các chuyên gia giáo dục cũng chỉ ra rằng công nghệ không thể và không nên thay thế các hoạt động như đọc truyện, trò chuyện với trẻ. Tuy nhiên, khi sử dụng đúng cách, phần mềm tương tác kỹ thuật số có thể đóng vai trò như chất xúc tác cho các tương tác trò chuyện liên quan đến công việc của trẻ. Một lớp học được thiết lập để khuyến khích tương tác và việc sử dụng công nghệ thích hợp sẽ không làm suy yếu mà còn làm tăng sự phát triển ngôn ngữ, khả năng đọc viết.
Để ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục mầm non đạt hiệu quả, các cơ quan quản lý giáo dục cần hỗ trợ các trường mầm non xây dựng môi trường học tập số, hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên về ứng dụng công nghệ thông tin.
Các cơ sở giáo dục, giáo viên cần chủ động đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giáo dục, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Cha mẹ học sinh cũng cần quan tâm, phối hợp nhà trường về vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin