Với trẻ tự kỷ, việc cha mẹ luôn nhạy bén trước mọi tín hiệu cảm xúc của con là vô cùng quan trọng. Trong quá trình tiếp xúc với những chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em và cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ, Julie Z. Rosenberg – một bà mẹ người Mỹ đã đưa ra 4 hành vi tự kỉ thách thức nhất mà bất kì trẻ tự kỉ nào cũng phải đối mặt mỗi ngày.
Giấc ngủ bị ngắt quãng
Một giấc ngủ sâu và liền mạch là điều rất khó có được ở trẻ tự kỷ, bởi hệ thần kinh của trẻ tự kỷ thường có xu hướng nhạy cảm hơn mức bình thường. Ngay cả những thay đổi nhỏ nhất trong ngày cũng có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ vào ban đêm.
Trẻ tự kỷ thường khó có giấc ngủ sâu và liền mạch (Ảnh minh họa).
Nhiều bậc cha mẹ nhận thấy rằng, việc tạo ra một “ốc đảo” của riêng con vào ban đêm giúp ích rất nhiều trong việc duy trì cho trẻ một giấc ngủ sâu, chẳng hạn như tạo ra một không gian phòng ngủ với tông màu tối, sử dụng máy tạo tiếng ồn trắng (tiếng ồn trắng – white noise), chăn nặng, hay bất cứ thứ gì cha mẹ cảm thấy có thể làm cho bé thoải mái.
Cha mẹ có thể giao hẹn với con về giờ thức dậy bằng những hình ảnh trực quan chẳng hạn như đưa cho trẻ hình ảnh chiếc đồng hồ và hình bố mẹ, sau đó nói với trẻ rằng: "Con có thể sang phòng bố mẹ khi mặt đồng hồ trong phòng giống với chiếc đồng hồ này".
Nhạy cảm với thức ăn
Trẻ mắc chứng tự kỷ thường có xu hướng nhạy cảm quá mức với thức ăn. Để có thể dung hòa được việc ăn uống hàng ngày của trẻ, cha mẹ cần liên tục thử nghiệm và thay đổi bữa ăn cả về hình thức, cách sắp xếp món ăn và các loại thực phẩm.
Thay vì để trẻ tự kỷ sợ hãi đồ ăn, hãy khiến trẻ cảm thấy chúng được trao quyền kiểm soát trên bàn ăn. Susan Roberts, chuyên gia giáo dục và tư vấn chứng tự kỷ đã đưa ra một chiến thuật giúp trẻ tự kỷ dần thích nghi với việc ăn uống một cách bình thường: “Ban đầu cha mẹ không cần ngay lập tức yêu cầu trẻ phải ăn một món ăn mới mà chỉ cần để trẻ chấp nhận sự tồn tại của món ăn đó trên bàn. Trong các bữa ăn tiếp theo, cha mẹ hãy để trẻ quen dần với việc để món ăn đó trên đĩa của mình, đồng ý chạm vào chúng và dần dần mở rộng phạm vi thực phẩm”.
Trẻ mắc chứng tự kỷ thường có xu hướng nhạy cảm quá mức với thức ăn (Ảnh minh họa).
Khủng hoảng tâm lý
Nếu con bạn là trẻ tự kỷ, đừng đặt con vào những tình huống không thoải mái - đây là điều mà các bậc cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ cần vô cùng lưu ý. Khủng hoảng tâm trạng có thể xảy ra mọi lúc do trẻ tự kỷ thường nhạy cảm và có phản ứng khác thường với các yếu tố xung quanh.
Cha mẹ nên tìm hiểu kĩ càng và đưa ra quyết định an toàn nhất khi cân nhắc về bất kì sự thay đổi nào có thể tác động lên trẻ, chẳng hạn như đưa bé đi xa, để bé gặp người lạ hay buộc phải thay đổi một số thói quen hàng ngày của bé. Với những tình huống dễ phát sinh rủi ro, cha mẹ nên hủy bỏ quyết định để đảm bảo an toàn cả về thể chất và tinh thần cho bé.
Khi rơi vào cơn khủng hoảng, trẻ tự kỷ thường rất khó kiềm chế cảm xúc, kiểm soát hành vi, và tự gây nguy hiểm cho chính mình. Vì vậy cha mẹ hãy cố gắng hạn chế tối đa những tình huống bất lợi với trẻ, trong trường hợp bất khả kháng, nếu cơn khủng hoảng xảy ra, hãy đảm bảo giữ trẻ an toàn và làm dịu con đến khi bé bình tĩnh bằng bất kì cách nào.
Với những trẻ có tần suất bộc phát hành vi hung hăng cao, cha mẹ nên nhờ đến sự theo dõi và hỗ trợ của các chuyên gia (Ảnh minh họa).
Hành vi hung hăng
Trẻ tự kỷ thường có hành vi hung hăng và tự làm tổn thương bản thân, có thể bắt nguồn từ chính những khủng hoảng về tâm lý của trẻ. Hầu hết các bậc cha mẹ khi hiểu rõ nguyên nhân gây ra những hành vi dạng này, đều có thể giúp trẻ cải thiện tình trạng một cách tốt hơn. Vì thế trong quá trình chăm sóc trẻ tự kỷ, cha mẹ nên ghi chép lại những thói quen hàng ngày, hành vi mang tính lặp lại của con, đặc biệt là những hành vi hung hăng khác thường và cả những tác nhân khiến trẻ rơi vào trạng thái này.
Với những trẻ có tần suất bộc phát hành vi hung hăng cao, cha mẹ nên nhờ đến sự theo dõi và hỗ trợ của các chuyên gia.
Khi trẻ bộc phát hành vi hung hăng hoặc tự gây thương tổn cho bản thân, điều quan trọng hàng đầu luôn là giữ an toàn cho trẻ, bên cạnh đó cha mẹ hãy thể hiện thái độ không đồng tình một cách quyết liệt và rõ ràng để trẻ thấy rằng hành vi đó không nên tiếp tục.
"Nếu bạn biết một đứa trẻ tự kỷ nghĩa là bạn chỉ hiểu về một đứa trẻ tự kỷ mà thôi" - trẻ tự kỷ luôn đa dạng về tính cách cũng như cách biểu hiện hành vi, vì thế điều quan trọng hơn cả là cha mẹ cần lắng nghe con để đưa ra những giải pháp phù hợp nhất.