Trẻ em vốn rất ngây thơ, mọi thứ trong cuộc sống đều là mới mẻ và cần có quá trình để học hỏi. Đối với nhiều bậc cha mẹ, bồi dưỡng nhân cách cho con là điều rất khó khăn mà những thói quen xấu lại cứ vô thức hình thành trong trẻ. Nhưng trên thực tế, chỉ là chúng ta chưa đủ chú ý tới những hành vi nhỏ nhất của trẻ mà thôi.
Nhân cách sẽ liên kết mật thiết và ảnh hưởng to lớn đến cuộc đời của 1 người. Nuôi dưỡng nhân cách tốt đẹp cho trẻ ngay cả khi bé đang vui chơi là điều mà nhiều bậc cha mẹ chưa thực hiện được. Những phương pháp dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh có thể bồi dưỡng nhân cách tốt đẹp cho con ngay cả khi trẻ đang mải mê vui chơi.
1. Trẻ không chịu chia sẻ đồ chơi yêu thích với bạn bè
Khi đang vui chơi, rất nhiều đứa trẻ không sẵn sàng chia sẻ đồ chơi với bạn bè. Tâm lý ích kỷ này sẽ biến trẻ thành người bị lạc lõng giữa cuộc chơi, thường rất khó để hòa đồng hay hợp tác với người khác. Lâu dần, trong tính cách của trẻ sẽ hình thành nên thói tự phụ, kiêu căng và lập dị.
Đối với trường hợp này, cha mẹ nên để ý hơn đến thái độ của con lúc chơi, dạy con phải nhiệt tình hào phóng bằng cách tổ chức những hoạt động mang tính tập thể, trò chơi tiếp sức để con học cách hòa đồng với mọi người.
2. Trẻ dễ bị phân tâm
Có những đứa trẻ chỉ cần chơi qua một lúc là chán món đồ chơi hoặc trò chơi hiện tại, liền gạt sang một bên và tìm kiếm niềm vui mới. Nguyên do là khả năng tập trung của bé vào vật/việc đó chưa đủ mạnh hoặc có thể vì bé sợ rằng nếu tiếp tục thì sẽ gặp khó khăn, không giải quyết được. Chẳng hạn như bé chơi xếp gỗ, xây nhà thường chỉ làm được một nửa là chán và từ bỏ. Đó là biểu hiện của tâm lý ngại khó.
Có rất nhiều lý do khiến trẻ không tập trung hoàn thành công việc
Vì vậy khi tham gia trò chơi, trẻ cần được rèn luyện thói quen làm mọi việc có đầu có cuối, có sự kiên trì và can đảm để khắc phục khó khăn của bản thân. Cách tốt nhất là khi tổ chức trò chơi, phụ huynh nên đặt ra những mục tiêu trong khả năng của trẻ để bé có hướng phấn đấu. Ví dụ như: yêu cầu bé nhào nặn một chú vịt bằng đất sét hay xếp những mảnh ghép thành tòa lâu đài.... Trong lúc con làm, bố mẹ ở bên cạnh cổ vũ và trợ giúp một cách phù hợp sẽ giúp trẻ hình thành đức tính kiên nhẫn, bền bỉ để hoàn thành mục tiêu.
3. Trẻ có tính hiếu thắng quá mạnh
Tính hiếu thắng khi chơi trò chơi là tâm lý phổ biến với mọi đứa trẻ. Điều này chứng tỏ trẻ có lòng tự trọng rất lớn, đồng thời mong muốn giành được chiến thắng trong trò chơi này vô cùng mạnh mẽ. Trẻ muốn đạt được thành tích và nhận sự tán thưởng của mọi người.
Khi con vui chơi, cha mẹ nên tập trung cổ vũ con, để con làm những việc không quá phức tạp và đạt được một thành tích nào đó, điều này sẽ giúp trẻ thêm phần tự tin vào bản thân. Tuy nhiên, sau mỗi trò chơi chúng ta nên dạy trẻ bài học cần phải cạnh tranh, chiến thắng một cách công bằng chứ không nhờ vả hay yêu cầu người khác nhường nhịn. Trẻ cần hiểu được quy luật có thắng thì sẽ có thua, điều quan trọng là không được nản lòng và từ bỏ sau thất bại.
Tính hiếu thắng khi chơi trò chơi là tâm lý phổ biến với mọi đứa trẻ.
4. Hoạt động vui chơi là cách duy nhất để trẻ phát triển và hoàn thiện tính cách
Vui chơi là phương thức quan trọng để truyền đạt kiến thức cho trẻ em, không được vui chơi đồng nghĩa với việc đánh mất tuổi thơ và niềm vui của trẻ. Hoạt động vui chơi cũng được coi là một môn học, đồ chơi là tài liệu học tập. Đây là một hình thức học tập quan trọng để trẻ có thể phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ. Môn học này giúp trẻ trau dồi kiến thức về xã hội, hiểu biết về cuộc sống, rút ra bài học, phát triển tài năng, gợi mở trí tuệ và rèn luyện thân thể.
Hoạt động vui chơi cũng được coi là một môn học, đồ chơi là tài liệu học tập.
Khi trẻ đang ở giai đoạn nhận biết thế giới xung quanh, những trò chơi vui vẻ và lành mạnh không chỉ mang đến cho trẻ niềm vui vô tận mà còn giúp trẻ thử nghiệm và nhận thức vạn vật, làm giàu kho tàng kiến thức của bé và đặc biệt là giúp trẻ bồi dưỡng nhân cách toàn diện.