Cali Today News - Không phải vô cớ mà người ta dùng hình ảnh “lửa” hay “hỏa diệm sơn” để nói về cơn giận. Đó là chưa kể các từ… kinh hồn khác như nổi “cơn tam bành, nổi trận lôi đình, giận điên người, giận xanh mặt, giận cành hông, nổi đóa, nổi giận đùng đùng, giận tím mặt (hết xanh tới tím!), giận sôi gan, giận run lên, bực không thể tả, nóng ran cả mặt..” thì mới thấy quả thực Sân là anh chàng có mặt trên từng cây số trong bộ Ba: Tham Sân Si, có thể thường xuyên hơn 2 anh kia rất nhiều trong cuộc sống thường ngày.
Nhưng cho đến nay giận dữ, một tình cảm bất lợi và có nhiều “hậu quả nghiêm trọng”, chưa chắc đã được hiểu và phân tích tường tận theo chiều hướng có lợi cho mọi người. Có đến 50% số người được hỏi cho là “không nên giữ lại cơn giận, phải cho bùng nổ vì núi lửa cũng... thế, khi ép quá, núi lửa còn bung huống chi con người!”
Thế nhưng, bùng nổ hay cho cơn giận kéo dài không chắc tốt cho bạn đâu. Giận là một cảm giác, một trạng thái dữ dội ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây ảnh hưởng ngay cả trên toàn thân thể (giận run lên). Chắc chắn hệ tim mạch sẽ..lãnh đủ, ngay cả gan ruột cũng không thoát và chắc chắn trong trường hợp mà người Pháp lẫn người Anh gặp nhau ở thành ngữ “voir rouge” hay “see red” thì bạn không còn đủ bình tĩnh hay sáng suốt để có một nhận định khôn ngoan (clear thinking). Và bạn biết không, giận có thể làm bạn… giận thêm! thế mới chán mớ đời…
Các nhà tâm lý mới đây cho lờì khuyên là bạn bùng nổ cơn giận chưa chắc sau đó bạn sẽ thoát móng vuốt của nó. Bạn đừng tưởng giận xong rồi thôi! (đâu có… ngon ăn vậy!) Nói lớn hay đập bàn đập ghế (có người còn đòi đập dẹp… cái nhẫn cưới mới ớn chứ) không làm cơn giận của bạn “mềm đi” để bạn dễ điều khiển nó hơn đâu, ngược lại hình thức giải thoát cơn giận còn làn bạn giận thêm. Bạn hãy nhớ câu này: “Giận tự nuôi nó” (anger often feeds on itself ) và khi bùng nổ cơn giận, nó chỉ mang lại tức khắc tai hại cho những người xung quanh. Dù sau thì cũng có đến 57 người Mỹ chết năm 1980 khi núi lửa St. Helens phun bất ngờ đấy!
“Chồng giận thì vợ làm lành…”, đúng là đàn ông hay giận hơn phụ nữ. Trong một số nền văn hóa, phụ nữ được giáo dục phải đè nén hay che dấu cơn giận của mình và nhiều khi họ làm chuyện này “xuất sắc” đến nỗi ngay cả chính họ cũng không nhận ra là mình đang… nuốt giận. Cha mẹ cũng không cho phép con cái nổi giận. Ởũ Mỹ cái câu này được “ổng bả”… tụng khá thường xuyên cho con cái: “Này, nếu con muốn nhảy đong đỏng lên như thế thì cứ vào phòng riêng mà nhảy, chừng nào hết giận thì hãy ra đây!”
Nhưng như thế thì làm sao hóa giải được cơn giận? và càng thêm có nhiều người không biết mình đang giận, hay họ cứ che đấu đến lúc bùng ra, chính họ cũng sẽ là... nạn nhân của nó. Giận đáng… giận thật!
Nhưng thật ngược đời, có khi nói với người khác “là tôi đang giận đấy nhá, coi chừng rờ vô là phỏng tay đấy nhá!” lại có tác dụng tốt, nó sẽ làm bạn… nguội nguội một chút. Nhất là khi bạn cắt nghĩa lý do tại sao bạn lại giận. Các nhà tâm lý tin là trong trường hợp đó, nguôi giận không phải là do bạn đã để cho nó… xổ ra, nhưng là do bạn đã nhận-dạng-trường-hợp-nào-đã-khuấy-động cơn giận của bạn nổi lên và có ý tìm một lối giải quyết.
Và đây là điều quan trọng: bạn đừng phản ứng vì cơn giận của mình mà hãy tìm cách hóa giải nó.
Đầu tiên là hít vô 3 hơi thật sâu. Khi bạn giận “muốn điên lên được”, chắc chắn cái cơ thể của bạn nó căng thẳng lắm đấy. Hô hấp sâu và chậm là để các bắp thịt bớt căng cứng, không tốt tí nào cả.
Hãy thay đổi môi trường. Cách hay nhất là bạn bỏ đi ra ngoài. Đi bộ một vòng 5 phút để hít thở không khí trong lành. Còn rủi đang bị kẹt xe? cứ bật radio lên và “chú ý thật sự” bản nhạc hay tin tức trong radio phát ra.
Hãy biết tại sao bạn giận. Hãy lục lọi tìm sự vật, con người, hoàn cảnh hay biến cố nào làm nảy sinh cơn giận. Có khi giận là mặt nạ che dấu các sợ hãi sâu xa của bạn. Trong lúc giận, thử tự hỏi liệu có sự sợ hãi nào đã bị quậy lên chăng?
Hãy nói khá chậm, tránh hùng hổ, hãy chắc là bạn đã suy nghĩ trước khi nói, hãy “cân đong đo đếm” lời nói đừng nói ra những gì sau đó không thể chuộc lại được nữa, nhất là đối với người thân yêu nhất thì càng phải thận trọng từng lời!
Hãy thận trọng (Bạn sẽ… phì cười và bảo: “rõ lẫm cẩm, giận mà còn cẩn với thận!”). Tại sao?
Có những trường hợp đặc biệt tuôn cơn giận ra sẽ gây nguy hiểm cho chính bạn. Bạn tuôn tràn nỗi giận với một người đang ganh ghét bạn hay đang muốn lợi dụng bạn là… rồi đời. Tại vì thay vì bạn thổ lộ với chính người làm bạn giận thì bạn lại đi… tuôn tràn với người thứ ba, bạn sẽ không tưởng tượng ra nổi hậu quả của việc giận… cấn sang người khác này đâu!
Hãy quả quyết chứ không phải gây hấn (Be assertive, not aggressive). Người quả quyết ăn nói điềm đạm, có mục tiêu tốt, chứ không… tuôn ra cho đã nư!
Hãy tự nhủ vài câu tốt lành trước khi nói (mình sẽ không đi quá xa, thật ra người kia cũng có lý đấy chứ, mình có khả năng lựa chọn thông minh mà…). Những câu này có tác dụng nhắc bạn là ngay cả trong lúc bạn đang giận, bạn cũng có thể lựa chọn thái độ… giận cho hợp lý. Nghe qua có vẻ kỳ lạ, nhưng tại sao bạn lại không thử chiến thuật này xem sao?
Tốt nhất là sao? “Chồng giận thì vợ làm lành…”, đúng rồi, nhưng ngược lại?
“Vợ giận thì... ổng im luôn cho rồi!”
Bạn cũng nên thử “chiến lược” một sự nhịn, cái gì cũng lành này thử xem sao…