CÁCH PHÒNG TRÁNH MỘT SỐ BỆNH CHO TRẺ VÀO MÙA THU – ĐÔNG
Sự thay đổi đột ngột của thời tiết lúc giao mùa sẽ làm xuất hiện rất nhiều dịch bệnh, nhất là ở trẻ em sức đề kháng còn kém, do đó trẻ dễ mắc một số bệnh như: Viêm đường hô hấp, viêm họng, thủy đậu, cảm cúm… vì vậy cần phải có những biện pháp phòng tránh.
Trẻ Viêm đường hô hấp đừng nên chủ quan
Thời tiết bắt đầu chuyển mùa cũng là lúc các loại vi rút hợp bào phát triển rất nhanh. Virus này có trong không khí, khi xâm nhập vào cơ thể trẻ, sẽ dễ dàng phá vỡ hệ thống đề kháng chưa hoàn chỉnh của trẻ em, nhất là hệ hô hấp. Đây là một loại virus nguy hiểm có khả năng làm cho trẻ bị viêm đường hô hấp, tùy theo từng mức độ từ nhẹ đến nặng. Bệnh lây truyền qua đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng để ăn uống. Khi bắt đầu nhiễm bệnh trẻ có thể đột ngột sốt cao, đau đầu, lạnh toàn thân, đau toàn thân, đau họng, ho, mệt mỏi, chán ăn sau đó khó hít thở và tiêu chảy nhẹ.
Để phòng bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ, cần thường xuyên rửa tay sạch sẽ cho trẻ bằng xà phòng, giữ ấm cơ thể cho trẻ và hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người, đeo khẩu trang cho trẻ khi đi ra đường, tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Không nên cho trẻ đi bơi ở những bể bơi công cộng hoặc những khu vui chơi giải trí dưới nước.
Viêm họng:
Rất thường xảy ra cả ở người lớn và trẻ em do không khí lạnh kích thích gây viêm xung huyết, làm giảm sức đề kháng và tạo điều kiện cho các mầm bệnh sẵn có trên đường hô hấp phát triển. Trẻ bị viêm họng thường có biểu hiện: vòm họng trẻ sưng đỏ, tuyến nước bọt bị sưng, niêm mạc họng phù nề, trẻ đau họng, khó nuốt thường đi kèm với triệu chứng sốt nhẹ, đau tai, ho…nếu không được chữa trị kịp thời có thể biến chứng dẫn đến bệnh khớp, phổi… thậm chí tử vong do suy hô hấp nặng.
Viêm Amiđan & V.A
Là bệnh khá phổ biến ở trẻ 3-7 tuổi. Trẻ viêm V.A sẽ gầy yếu, kém nhanh nhẹn, chảy nước mũi thường xuyên, nóng sốt vặt kèm ho nhiều, chảy mủ tai, mũi bị nghẹt và phải thở bằng miệng. Trẻ viêm Amiđan cấp sẽ sốt cao, đau họng, khó nuốt, chảy nước miếng, mệt mỏi, biếng ăn và dễ gây biến chứng nếu không điều trị đúng.
Để phòng tránh bệnh viêm họng, viêm amiđan & V.A cần: Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường, nhất là những chỗ đông dân cư và gần những khu công nghiệp. Trong phòng trẻ sinh hoạt phải giữ cho không khí thoáng gió, ấm và đủ độ ẩm. Tránh đưa trẻ đến những nơi đông người, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
Cảm - cúm:
Về bản chất khác nhau (cúm do virus gây nên, cảm lạnh là do các tác động vượt quá khả năng tự bù trừ của cơ thể) nhưng vẫn thường được gọi chung bởi các biểu hiện bên ngoài tương đối gần nhau. Các vi rút gây cảm cúm thường được lây truyền bởi các hạt khí dung nhỏ, hạt khí dung lớn hoặc qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh sẽ phát sau khi trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh từ 1 – 2 ngày. Trẻ sốt, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng, ho, hắc hơi, nhức mỏi toàn thân là biểu hiện của bệnh. Trong đó triệu chứng nghẹt mũi, chảy mũi nước sẽ kéo dài hơn các triệu chứng khác.
Để phòng tránh cảm – cúm cần luôn giữ ấm cho trẻ khi thời tiết thay đổi, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu, Không để trẻ ra nơi lạnh, có gió, ban đêm đi ngủ phải chú ý cho trẻ đi tất và không nằm nơi có gió lùa. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nhiều người, nhất là với những người có biểu hiện bị cúm. Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp ra từ tủ lạnh, kem, đá. Tăng cường dinh dưỡng và vitamin C, cho trẻ uống nước đầy đủ vào mùa lạnh để giúp trẻ có sức đề kháng, cho trẻ súc miệng nước muối hàng ngày.
Thủy đậu:
Còn gọi là bỏng rạ là một loại bệnh cấp tính do vi rút gây ra. Nguồn lây nhiễm chính của bệnh này là tiếp xúc với vi rút gây bệnh, như hít phải vi rút từ người bị bệnh thở ra trong không khí hoặc tiếp xúc gần với người bệnh. Trẻ sẽ bị phát bệnh sau 14 – 15 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Bệnh thủy đậu nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ra rất nhiều biến chứng: viêm phổi thủy đậu. Sau khi nhiễm bệnh trẻ có biểu hiện: hơi sốt, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho, mệt mỏi, biếng ăn. Sau một hai ngày, da trẻ nổi nhữngmụt nhỏ màu hồng, mộng nước ở lưng trước rồi mới lan nhanh ra tay và chân, gây ngứa.
Để phòng tránh: Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh thủy đậu cho trẻ là tiêm phòng. Đối với trẻ từ 1 đến 12 tuổi: tiêm ngừa một lần duy nhất dưới da. Đối với trẻ trên 12 tuổi: tiêm 2 mũi, mũi sau cách mũi đầu 6 đến 10 tuần. Cách ly trẻ với nguồn bệnh. Những trẻ đã bị bệnh, sau khi khỏi bệnh cần được nghỉ học khoảng 10 ngày và phải vệ sinh sạch sẽ các nốt bỏng trước khi quay trở lại trường học.