Tôi thường gặp những người mặc dù đang ở độ tuổi 20, 30, thậm chí 40 tuổi, nhưng dường như họ vẫn đang sống trong thời thơ ấu của mình. Họ vẫn đang chờ đợi tình yêu thương từ cha mẹ vì họ đã không nhận đủ thứ tình cảm thiêng liêng ấy trong suốt những năm tuổi thơ. Họ sẽ không bao giờ trưởng thành cho đến khi họ tìm thấy hạnh phúc của mình và cho mình.
Từ giây phút đứa trẻ bắt đầu cảm thấy không được yêu thương, chúng đã không thể phát triển thêm được nữa. Và ở từng giai đoạn lứa tuổi, nhu cầu về sự quan tâm, yêu thương và chú ý của cha mẹ đối với một đứa trẻ có các hình thức khác nhau.
1. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất cần sự ôm ấp, bế bồng, quan tâm liên tục từ cha mẹ. Không được nhìn thấy cha mẹ, dù chỉ 1 phút thôi, cũng đã là điều khủng khiếp đối với trẻ. Thế nên, việc trẻ thường xuyên phải nằm chơi một mình là việc làm trẻ buồn nhất.
Và khi lớn lên, những đứa trẻ thiếu sự quan tâm từ cha mẹ sẽ chẳng thể nào tìm được một mối quan hệ nghiêm túc bởi chúng thường kiểm tra, kiểm soát đối tác của mình nhằm xác nhận tình cảm mà họ dành cho mình. Những người này dễ cảm thấy bị tổn thương và cô độc ngay cả khi họ đang có người yêu thương gần gũi ở bên cạnh.
2. Trẻ từ 2 – 3 tuổi
Ở độ 2 – 3 tuổi, trẻ bắt đầu thể hiện tính độc lập, thể hiện cái tôi và đòi tự kiểm soát mọi thứ liên quan đến trẻ. Nếu bạn ngăn cấm, la mắng, đánh đòn sẽ chỉ mang lại cho trẻ cảm giác bất mãn, không “tâm phục khẩu phục”, thậm chí còn nung nấu suy nghĩ chống đối.
Nhưng nếu bạn ép buộc trẻ phải hoàn thành một việc vượt quá khả năng của trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy xấu hổ vì cảm thấy mình bất tài vô dụng.
Còn nếu bạn dành nhiều thời gian và sức lực để che chở, bảo vệ con mình tránh xa thế giới xung quanh và làm hết tất cả mọi thứ cho trẻ, thì cảm giác nghi ngờ về khả năng của chính mình sẽ xuất hiện trong trẻ.
Nói tóm lại, những cảm xúc tiêu cực này sẽ biến trẻ trở thành một người thiếu tự tin, không có khả năng kiểm soát được bản thân cũng như thế giới xung quanh. Bởi trong trẻ luôn tồn tại suy nghĩ rằng mọi người đang nhìn chằm chằm vào mình, rằng không ai thích hay chấp thuận với cách làm của mình. Trẻ thường phát triển các hành vi do bị ám ảnh và hoang tưởng về việc bị cô lập và bị ngược đãi.
3. Trẻ từ 3 – 6 tuổi
Lúc này, trẻ sẽ đong đo tình yêu của cha mẹ bằng những cơ hội mà trẻ được trải nghiệm, được tự học, tự làm. Trẻ mong muốn nhận được sự hỗ trợ và ý kiến của bạn, đồng thời cũng mong bạn công nhận năng lực của trẻ, để trẻ được tự do mày mò và sáng tạo. Nhưng nếu trong những tháng năm này, bạn không cho phép trẻ được tự do khám phá hoặc trừng phạt trẻ quá mức vì những gì trẻ đòi hỏi, thì cảm giác tội lỗi trong trẻ sẽ phát triển.
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường này thường trở thành người sống thiếu sự quyết đoán, không có khả năng đặt ra các mục tiêu và phấn đấu đạt được chúng. Cảm giác tội lỗi khi nhỏ có thể dẫn đến sự thụ động, bất lực và ác cảm với sự thân mật, thậm chí trẻ còn có thể bị rối loạn thần kinh.
4. Trẻ ở trong độ tuổi đi học
Ở độ tuổi này, trẻ đã học được tính chuyên cần, cẩn thận và kiên trì. Nhưng nếu trẻ cảm thấy nghi ngờ về khả năng của mình hoặc cảm thấy bất bình với tình trạng không công bằng giữa các bạn cùng lớp, thì sẽ dẫn đến việc trẻ cảm thấy bất mãn, tự ti.
Còn nếu ngay từ nhỏ, trẻ đã có nhận định rằng thành tích học tập là tiêu chí duy nhất xác định giá trị của một con người, là điều kiện để có cuộc sống và công việc ổn định sau này thì sẽ làm cho cuộc đời của trẻ trở nên đơn điệu, chỉ biết học và làm mà không biết đến những khía cạnh đẹp khác của cuộc sống.
Để yêu thương trẻ trong độ tuổi này, hãy luôn mở rộng vòng tay giúp đỡ con bạn – những đứa trẻ yếu đuối, dễ bị tổn thương - để trẻ được lớn lên và trưởng thành. Hãy cố gắng hiểu con bao nhiêu tuổi, ngoại hình của con trông như thế nào, con nghĩ gì và tìm hiểu nguồn gốc những nỗi sợ hãi mà con đang gặp phải.
Cha mẹ hãy thường xuyên nói chuyện với trẻ
Bạn hãy lấy một miếng giấy và hai cây bút khác màu nhau. Chia tờ giấy ra làm hai. Bên phải, bạn hãy viết những suy nghĩ của bạn. Còn bên trái, hãy viết những suy nghĩ của trẻ. Chỉ có bạn và trẻ trong cuộc trò chuyện này. Đã đến lúc bạn và trẻ tìm hiểu về nhau. Hãy hỏi trẻ mong muốn điều gì? Bạn có thể cho trẻ được những điều gì? Hãy luôn nói và bày tỏ tình yêu thương mà bạn dành cho trẻ.
Đôi nét về tác giả
Parfonova Irina Nikolaevna là một nhà tâm lý học thực hành. Cô đã từng học tại trường Đại học Gomel State. F.Skorina, Belarus. Cô thường là người tổ chức, tác giả và chủ trì các dự án tâm lý. Đồng thời, cô cũng tổ chức các nhóm trị liệu tâm lý và giáo dục dài, hội thảo về các chủ đề: "Tức giận và tội lỗi", "Khoa tâm thần",... Ngoài ra, cô còn cộng tác với báo chí, đài phát thanh và đài truyền hình.