Có thể bạn cho rằng theo văn hóa những đứa trẻ ở Nhật Bản sinh ra đã biết nghe lời cha mẹ, tự động tuân theo những quy tắc xử sự một cách chính xác. Tuy nhiên, người Nhật có cách dạy con hết sức đặc biệt để chúng ngoan ngoãn và có những hành vi ứng xử phù hợp khi ở nơi công cộng.
Cách xử lý khi con khóc
Khi con cái khóc lóc ở nơi đông người, chúng ta thường dỗ dành con, ẵm con, chiều chuộng con để con không khóc nữa. Hay bằng cách khác, một số người mẹ lại cau mày, mắng mỏ, dọa nạt hay dùng biện pháp mạnh hơn như đánh con. Tuy nhiên, bố mẹ Nhật lại không làm thế.
Khi con quấy khóc ở nơi công cộng, họ dường như không bận tâm về điều đó, họ không dỗ dành và cũng không tức giận. Người Nhật để cho con khóc và không hề can thiệp. Người Nhật đặc biệt coi trọng quy tắc này nếu con đang trong khoảng 2 tuổi. Họ gọi đây là "Ma no Nisai", tức là tuổi cáu kỉnh. Người Châu Âu cũng có cụm từ tương tự là “The Terrible Two”, có thể hiểu là “Khủng hoảng tuổi lên 2”.
Dạy con ở nơi riêng tư
Nếu con vứt rác nơi công cộng, bạn sẽ làm gì? Có người mắng con, bắt con tự đi vứt, có người lại tự làm việc đó vì nghĩ con còn nhỏ, chưa biết đúng sai.
Nhiều trẻ em Nhật tự đi học bằng tàu điện từ khi mới bước vào lớp 1.
Đối với người Nhật, khi con có hành vi không tốt ở nơi công cộng, cha mẹ sẽ đợi đến khi có không gian riêng tư mới nói chuyện với con. Ở công viên, họ đưa con đến các góc yên tĩnh, hoặc nói chuyện nhỏ nhẹ với trẻ khi chúng đã lên xe ô tô của bố mẹ. Tất nhiên, dù là ở nơi riêng tư thì cũng không có bất kỳ lời quát tháo nào, họ nói nhỏ nhẹ, khuyên giải và chia sẻ với con, chỉ cho con cách làm đúng nhất trong trường hợp đó để đứa trẻ tự thay đổi nếu gặp lại trường hợp tương tự.
Như vậy, người Nhật cho rằng việc nói chuyện với con trong những không gian riêng tư sẽ giúp con thay đổi hành vi ứng xử của con nơi công cộng.
Việc này giúp họ giữ “thể diện” cho đứa trẻ và cả cho mình. Vì thế, thay vì nổi trận lôi đình quát mắng trẻ ở chốn đông người, họ sẽ đợi đến khi có không gian riêng tư và khuyên trẻ về những hành vi mà chúng nên làm nơi công cộng.
Tạo nề nếp cho con
Chắc chắn rằng mỗi cha mẹ lại có một cách dạy dỗ con và ở mỗi nơi, mỗi nền văn hoá lại có những cách nuôi dạy con khác nhau. Các chuyên gia tâm lý trẻ em đến từ nhiều nước trên thế giới đều đồng ý rằng nên tạo nề nếp cho hành vi chứ không phải đứa trẻ.
Tức là cha mẹ sẽ tạo nề nếp cho những hành vi tốt và loại bỏ dần những hành vi xấu. Bố mẹ Nhật sẽ dạy con những hành vi phù hợp và lặp đi lặp lại nhiều lần để trở thành một thói quen hằng ngày của chúng. Thêm vào đó, nếu có những hành vi sai trái, họ sẽ nói chuyện riêng tư với con để con thay đổi.
Ở các trường mẫu giáo Nhật Bản, các bé thường tuân theo những quy tắc chuẩn mực và sẽ thực hiện hằng ngày để trở thành thói quen của những đứa trẻ. Các bài hát hay giáo dục về phẩm chất, các trò chơi tích cực hay những hành động ứng xử đúng mực như đặt dép gọn gàng, ngồi ngay ngắn đều trở thành một nếp sống quen thuộc từ khi trẻ còn nhỏ.