1. Giữ ấm cho trẻ
Giữ ấm cho trẻ trong mùa đông là điều quan trọng nhất để giữ gìn sức khỏe cho các bé . Bạn nên biết rằng dù bé được nằm cạnh mẹ hay nằm riêng thì bạn cần luôn đảm bảo cơ thể bé ở nhiệt độ 36,5-37ºC. Trong phòng của bé cũng cần duy trì nhiệt độ 25–28ºC, cần ấm áp, thoáng nhưng tránh có gió lùa. Có thể sử dụng điều hòa, lò sưởi, quạt sưởi, nhưng tránh dùng bếp than vì khí CO2 có thể gây độc, ngạt cho bé.
Cũng có rất nhiều những cách giữ ấm khác cho trẻ như là quấn chăn, đội mũ đi tất.
Thêm nữa, bạn cũng cần nên cho bé ăn theo nhu cầu. Khi bị đói, thân nhiệt bé cũng sẽ hạ.
2. Vệ sinh cơ thể cho bé
Thói quen lười vệ sinh cho trẻ vào mùa đông vì sợ trẻ bị nhiễm lạnh là một điều sai lầm. Vào mùa đông cũng như các mùa khác trong năm, trẻ luôn cần được sạch sẽ. Vào những ngày nhiệt độ xuống thấp thì không nên tắm cho bé, nhưng vẫn cần thay quần áo và lau sạch những vùng kín như bộ phận sinh dục, bẹn, nách, cổ. Tắm, lau cần để bé ở phòng ấm, có thể bật quạt sưởi.
Bạn cũng không nên đóng bỉm, tã giấy suốt ngày đêm cho bé. Có thể ban đêm cho bé dùng tã giấy nhưng ban ngày nên quấn tã vải cho thoáng. Nếu dùng tã giấy cần thay thường xuyên, và ngay sau mỗi lần bé đại tiện. Mỗi lần thay lau rửa nhẹ nhàng vùng kín để tránh bị hăm, viêm da.
Mỗi lần trẻ nôn trớ bạn cũng cần phải thay ngay quần áo cho trẻ nếu quần áo bị vướng bẩn, tránh để da bé tiếp xúc với đồ ẩm ướt vì cơ thể bé có thể truyền nhiệt qua vùng đó và mất nhiệt.
3. Bảo vệ đường hô hấp cho bé
Đường hô hấp của trẻ rất dễ gặp khó khăn nếu bạn không biết cách bảo vệ. Ngạt mũi là một trong những hiện tượng phổ biến và thường hay gặp ở bé trong mùa lạnh do thể tích hố mũi của bé rất nhỏ.
Bạn cũng có thể khắc phục tình trạng này bằng cách luôn giữ ấm cho bé, vệ sinh mũi hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Khi bé bị ngạt mũi, chỉ nên làm thông bằng cách nhỏ nước muối sinh lý ấm, tuyệt đối không tùy tiện sử dụng các thuốc nhỏ mũi khác mà không có ý kiến của bác sĩ. Nếu thấy bé khó thở thì cần đưa đi khám.