Đọc truyện cổ tích nào cho con nghe
Truyện cổ tích là một thể loại văn học có xu thế HƯ CẤU. Đó là lý do tại sao lúc nghe truyện các con dường được như bước vào một thế giới khác, nơi mà các con vật biết nói tiếng người, cây bút có thể vẽ tranh thành thật, người chết có thể sống lại… Cũng chính vì tính hư cấu mà nhân vật trong các câu chuyện của chúng ta thường rất là đa dạng, khi thì là thần tiên, lúc lại là yêu tinh, người khổng lồ, người cá, phù thuỷ…
Đọc những câu chuyện cổ tích nào cho bé nghe? Truyện đó ẩn chứa những ý nghĩa, bài học hay kiến thức gì? Tôi sẽ cân nhắc những yếu tố dưới đây để lựa chọn và biên tập các truyện trong website truyencotichhay.com như một món quà dành tặng các bạn nhỏ:
- Những câu chuyện hay nhất, được yêu thích nhiều nhất.
- Đó phải là những truyện phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi: nhẹ nhàng, trong sáng, tránh những truyện quá kỳ dị hoặc mang yếu tố giới tính, dị đoan.
- Những truyện mang tính giáo dục, có thể giúp các bạn nhỏ rút ra bài học bổ ích về tình yêu thương, những đức tính tốt, những kiến thức về văn hoá, tín ngưỡng của dân tộc…
- Những truyện kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo của trẻ.
Chúng ta không thể chỉ đọc truyện cho con nghe với mục đích là khiến con buồn ngủ. Mỗi khi đọc xong một chuyện cổ tích, các bố các mẹ hãy cho con một bài học, một kết luận ngắn gọn và dễ hiểu về ý nghĩa của truyện.
Tôi cũng có phần gợi ý về ý nghĩa của truyện ở phần dưới cùng của mỗi bài, hy vọng sẽ có ích cho các bố các mẹ tham khảo.
Tại sao nên đọc truyện cổ tích cho con nghe?
6 lý do mà tôi đưa ra dưới đây sẽ giải thích cho các phụ huynh tại sao chúng ta nên đọc truyện cổ tích cho con nghe hàng ngày. Sau mỗi câu truyện “ngày xửa ngày xưa” là rất nhiều kiến thức và kỹ năng có thể đúc kết được cho cuộc sống “ngày nảy ngày nay” của các con đấy các bố mẹ ạ!
- Truyện cổ tích luôn ẩn chứa bài học về đạo đức và giúp đỡ trẻ em khám phá – phân biệt được đúng sai, dạy con kỹ năng tư duy phê phán.
Đối với các bố mẹ, việc dạy chọn biết phân biệt và lựa chọn việc làm nào đúng, việc làm nào sai là rất quan trọng. Đối với riêng tôi, đây quả thực là thách thức lớn trong số những kinh nghiệm làm mẹ ít ỏi của mình. Và tôi nhờ đến các nhân vật trong truyện cổ tích để dạy con.
Mỗi một truyện sẽ là chủ đề tuyệt vời để bố mẹ hướng dẫn con thảo luận về đúng sai, hậu quả của sự lựa chọn, và rất nhiều kỹ năng tư duy phê phán.
Các nhân vật trong truyện liên tục phải đối mặt với những lựa chọn lớn nhỏ. Đôi khi họ có những lựa chọn đúng, và đôi khi là sai. Và kết thúc mỗi một câu chuyện, các nhân vật sẽ được tận hưởng kết quả hoặc gánh chịu hậu quả từ những lựa chọn trước đó. Hãy nhấn mạnh thêm với con, sự lựa chọn đúng sẽ được khen thưởng, lựa chọn sai lầm thì không thậm chí có thể bị phạt.
- Truyện cổ tích giúp trẻ xây dựng vốn từ vựng và giới thiệu tới trẻ ngôn ngữ giàu tính văn hóa.
Đọc các loại sách truyện, đặc biệt những câu chuyện cổ tích là cách tuyệt vời để xây dựng vốn từ vựng. Thậm chí, nó còn giúp chúng ta giới thiệu cho trẻ em các câu từ và thuật ngữ không thông dụng mà rất ít có cơ hội nhắc tới trong cuộc sống thường ngày. Đồng thời mang tới cho con một nền văn hóa phong phú của ngôn ngữ và ý nghĩa chứa đựng trong đó.
- Chuyện cổ tích kích thích trí tưởng tượng cho trẻ.
Các tuyến nhân vật trong thế giới cổ tích quả thật vô cùng phong phú: nào là bà tiên đỡ đầu, động vật biết nói chuyện, những đứa trẻ biết bay… Điều này sẽ giúp các con giàu trí tưởng tượng và nâng cao khả năng sáng tạo hơn rất nhiều. Các phụ huynh chắc hẳn đồng ý với tôi rằng khi được sự cho phép và khích lệ, ý tưởng và sáng tạo của các con có thể phát triển một cách đáng kinh ngạc.
Trong cuộc sống, khi đứng trước một vấn đề hoặc thách thức, trẻ em có trí tưởng tượng sống động sẽ tìm ra cách tuyệt vời nhất để vượt qua thách thức đó.
Truyện cổ tích kích thích trí tưởng tượng và sức sáng tạo tuyệt vời của trẻ.
- Mặc dù những điều xấu xảy ra đầy rẫy trong thế giới cổ tích, đến phút cuối điều tốt sẽ giành chiến thắng.
Hãy dạy con thế giới này là một nơi thật tuyệt vời và hãy nhìn nhận mọi người mọi vật theo cách tích cực. Tất nhiên, những điều xấu vẫn xảy ra. Các bài học từ truyện cổ tích sẽ tăng thêm cho bé niềm hy vọng và lòng can đảm để đối mặt với những tình huống khó khăn và giữ trong trái tim chúng “lý tưởng” về việc “ở hiền sẽ gặp lành”.
- Rèn luyện cảm xúc cho con
Một số chuyện cổ tích có thể mang nội dung khá đáng sợ đối với trẻ con. Bạn có quyền lựa chọn đọc hoặc không đọc cho con những câu chuyện như thế. Tôi vẫn đọc một vài truyện đáng sợ cho con và các cháu của mình nghe, chúng thậm chí còn cảm thấy thích thú. Các truyện đó có thể mang lại những cảm xúc thực sự “lớn” – chẳng hạn như sự sợ hãi và đau buồn, nhưng là trong một môi trường an toàn và thoải mái, bên cạnh bố mẹ và các bạn. Đây là một trải nghiệm rất nên có phải không?
- Chuyện cổ tích dạy tính logic
Toàn bộ cấu trúc của chuyện (cốt truyện, bối cảnh, nhân vật, sự kiện kích động, cao trào, và kết thúc) được thể hiện tròn vẹn dù là chỉ qua một câu chuyện tương đối ngắn.
Các truyện tranh hoặc sách truyện cho trẻ thường khá là đơn giản và đáng yêu nhưng lại thiếu đi “dòng chảy” và sự “cao trào”. Còn đến với truyện cổ tích, cấu trúc và tính logic của truyện sẽ cung cấp cho trẻ những kiến thức quan trọng để có thể hoà quyện vào nội dung truyện, như được sống với từng nhân vật và có thể khóc cười cùng họ vậy.
Trên đây là 6 lý do khích lệ tôi đọc truyện cổ tích cho con nghe mỗi ngày, rồi lại còn ngồi kì cạch gõ bài này, rồi lại còn cất công xây dựng hẳn một website chọn lọc chuyện cổ tích hay để đọc cho các bé nghe. Hy vọng các bố các mẹ và các bạn nhỏ sẽ ủng hộ tôi nhé!
Tiêu chí biên tập truyện cổ tích
Cũng như các bậc phụ huynh khác, tôi là một bà mẹ thường hay lang thang ở các nhà sách và cả trên mạng internet để tìm truyện hay đọc cho con nghe trước giờ đi ngủ. Các bố mẹ đừng lo lắng liệu con có hiểu hết những gì mình kể không. Đọc truyện cho bé 2 tuổi, 3 tuổi hay 4 tuổi và đã đi học mầm non… thì đều có những tác dụng rất tốt, nó giúp kích thích trí não con phát triển, hình thành một thói quen và nếp văn hoá rất đẹp.
Trong quá trình tìm hiểu của mình, tôi bắt gặp những cuốn chuyện cổ tích tổng hợp dù ngắn hay dài thì đều được biên tập rất dở, cùng một nội dung nhưng câu từ lủng củng, nhất là trên mạng internet khi mà một truyện có đến trăm ngàn phiên bản. Mỗi lần đọc cho con nghe tôi lại phải cố vừa đọc vừa sửa lại nội dung câu từ cho phù hợp và “đẹp” hơn. Cuối cùng, tôi quyết định sẽ tự lựa chọn và biên tập truyện cho con trai mình.
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam là do “quần chúng vô danh” sáng tác, sau đó được truyền miệng trong dân gian và lưu giữ từ đời này qua đời khác. Thế nên trong quá trình làm trang web này, cùng 1 câu chuyện tôi lại bắt gặp rất nhiều những phiên bản khác nhau. Có bản thì cơ bản giống nhau về nội dung nhưng khác về câu chữ, xưng hô. Có những bản khác nhau đôi chỗ về các chi tiết cụ thể trong nội dung câu chuyện. Truyencotichhay đã chọn lọc, biên tập những phiên bản hay nhất, gần gũi nhất và phù hợp với lứa tuổi của các bạn nhỏ để tập hợp thành một bộ truyện hoàn chỉnh.
Ví dụ như truyện cổ tích Tấm Cám – câu chuyện vô cùng nổi tiếng của kho tàng truyện cổ nước ta. Những người thuộc thế hệ chúng tôi khi còn nhỏ tuổi đã quá quen thuộc với phiên bản cũ của truyện, đặc biệt là đoạn kết, khi mà cố Tấm hiền lành trả thù mẹ con Cám bằng cách dội nước sôi cho Cám chết rồi sai quân hầu xẻ thịt Cám đem muối thành mắm và gửi cho mẹ Cám ăn. Trong ấn tượng của tôi thì đó là một cái kết “kinh dị” – tôi đã từng tự hỏi tại sao cô Tấm hiền lành là vậy mà lại nghĩ ra được cách trả thù kinh khủng và ác độc không thua gì mẹ con Cám? Liệu đó có phải là sự đáp trả của người hiền khi bị trà đạp và dày xéo quá mức không?
Vậy nên khi biên tập câu chuyện này, tôi đã cân nhắc lựa chọn cái kết “nhẹ nhàng” hơn cho mẹ con Cám. Hy vọng, các bậc làm cha làm mẹ cũng sẽ giống như tôi, có sự lựa chọn phù hợp với tuổi thơ của con trẻ.