1. Không đột ngột tước đoạt ipad khi trẻ đang xem
Chẳng có gì ngạc nhiên nếu trẻ đòi chơi ipad mỗi ngày và sẽ khóc ré lên nếu bạn ngang nhiên giật nó khỏi tay chúng kèm theo những cấm đoán nghiêm khắc. Càng cấm đoán vô lý sẽ càng gây ra ức chế ở trẻ, chúng sẽ càng vòi vĩnh hơn, ăn vạ nhiều hơn và bướng bỉnh hơn.
Bạn tưởng tượng xem nếu có ai đó bước đến tắt phụt chiếc ti vi đang chiếu bộ phim truyền hình dài tập ly kỳ sướt mướt mà bạn đang háo hức theo dõi, và cấm bạn xem nó, bạn sẽ có cảm giác và phản ứng thế nào? Vì vậy, hãy tôn trọng và đối xử công bằng với con. Đừng cấm đoán con, chỉ là tìm cách giúp con quản lý và sử dụng ipad một cách có lợi nhất cho chúng.
Nếu đột ngột lấy ipad khi trẻ đang xem, trẻ sẽ vô cùng giận dữ (Ảnh minh họa).
2. Hãy ra giới hạn thời gian cho con
"Mỗi ngày con chỉ được xem 1 giờ đồng hồ thôi nhé!", nhưng liệu trẻ có hiểu được 1 giờ là bao lâu? Thay vì vậy, bạn hãy chịu khó giúp bé canh chừng thời gian và bắt đầu ra tín hiệu cho bé khi bạn cho rằng đã đến lúc dừng lại.
Đối với trẻ chưa biết đếm thời gian, bạn có thể nhắc con: "Con ơi, mình xem thêm 2 bài nhạc nữa rồi tắt con nhé", "Còn một bài nữa thôi nha!". Như vậy con sẽ hình dung được khi nào con cần phải tắt và chuẩn bị tâm lý sẵn cho điều đó để không quá thất vọng.
Những ngày đầu chưa quen, có thể con sẽ tiếc nuối không chịu rời, sẽ khóc ré lên và giành lại cái Ipad từ tay bạn, lúc này bạn cần đối thoại với con. Hãy nhẹ nhàng nhưng kiên quyết giải thích cho con biết rằng chúng ta đã có giao kèo và con phải làm theo, rằng nếu con xem quá nhiều mắt con sẽ bị hư hại, rằng ngày mai con có thể xem tiếp và ba mẹ không cấm con về việc đó.
Kiểm soát thời gian cho con xem ipad (Ảnh minh họa).
Dần dần chúng sẽ làm quen với tính kỷ luật trong lời nói của ba mẹ, cũng giúp cho con hiểu lý do để không bị ấm ức, hiểu được việc giữ lời hứa là như thế nào và trao cho con một hi vọng vào ngày mai.
3. Biến ipad thành công cụ giáo dục con
Nếu con bạn thích chơi trò "Nuôi mèo" trên Ipad, hãy cùng chơi và giải thích cho chúng hiểu: "Con mèo nó ăn rau nè, nó lớn nhanh quá con nhỉ, con cũng ăn rau để mau lớn như mèo nhé", "Con đánh răng cho mèo đi, rồi giỏi quá, răng nó sạch bóng rồi kìa, giờ mình cũng đi đánh răng sạch bóng như mèo nha", "Con tắt đèn cho mèo ngủ đi, rồi mình cũng đi ngủ nào".
Hoặc nếu khi con bạn mở một bài hát thiếu nhi trên youtube và ngồi một chỗ vừa xem vừa nhún nhảy, thay vì chỉ hài lòng ngắm con làm điều đó, bạn hãy bước đến và tham gia cùng con. Bạn khuyến khích con đứng dậy, ba mẹ cùng hát hò và múa với con, cùng cười đùa vui vẻ như là một người bạn của con. Khi con hát hay hoặc múa đúng nhịp, bạn hãy ôm và khen ngợi chúng.
Cách này có thể giúp trẻ tạm rời mắt khỏi Ipad để vận động thể chất đơn giản, gia tăng sư tự tin và hoạt bát trong giao tiếp của con, đồng thời tạo sự gắn bó hơn giữa con và ba mẹ.
4. Bảo vệ mắt cho con
Bố mẹ không nên để con xem từ cự ly quá gần vì dễ gây cận thị, nhưng cũng không để quá xa vì trẻ luôn phải nheo mắt để cố nhìn chúng. Đặt Ipad đứng trên một chiếc bàn phẳng, giữ mắt bé trong độ tầm từ 40 – 70 cm được xem là khoảng cách hợp lý.
Và để mắt con không quá mỏi, cứ tầm 20 phút bạn tìm cách cho mắt con nghỉ ngơi vài phút bằng cách nhắc con đứng dậy đi đâu đó, hoặc làm một việc gì đó như đi vệ sinh, uống sữa, thay quần áo, quét nhà giúp bố mẹ, lấy giúp bố mẹ quyển sách, chạy đến ôm hun bố mẹ… sau đó mới để con quay trở lại với món đồ yêu thích của chúng.
Hãy biến ipad thành công cụ hiệu quả dạy trẻ (Ảnh minh họa).
5. Thêm những lựa chọn khác để con rời xa Ipad
Phần lớn phụ huynh thường "ném" cho con cái Ipad mỗi khi họ quá bận rộn. Thế nhưng đối với thế giới của trẻ thơ, không chỉ có Ipad là "món mỡ béo bở" duy nhất. Bạn nên cho bé thêm nhiều lựa chọn hấp dẫn theo độ tuổi, chẳng hạn như sách truyện tranh với hình ảnh động vật có màu sắc sặc sỡ, bút chì tô màu và một quyển tập trắng, dĩa DVD ca nhạc thiếu nhi, phim hoạt hình trên ti vi, bộ đồ chơi ráp hình, những bộ đồ chơi trí tuệ… Hãy đưa chúng cho con, dành một ít thời gian để hướng dẫn con chơi và sau đó để bé tự khám phá những điều mới, còn bạn có thể quay trở lại với công việc của mình.
Bù lại, những khi cha mẹ có thời gian rảnh rỗi, nên dành những buổi chiều tối để đưa con ra ngoài tham gia những hoạt động về thể chất như đến các nhà sách và siêu thị, khu trò chơi vận động, hoặc đưa trẻ đi thăm bạn bè, bà con, đi ăn tối, đi dạo công viên, trò chuyện cùng con… Như vậy, không những giúp con cân bằng lại việc phát triển về thể chất, tinh thần, kỹ năng giao tiếp, xã hội và thiên nhiên, mà còn giúp con và cha mẹ tăng thêm những mối liên kết về tình cảm và tạo ra những kỷ niệm khó quên cho cả gia đình.