Khoan hãy bàn đến việc nói gì, nói như thế nào, giáo viên Montessori đã tiết lộ điều trước tiên các bố mẹ cần lưu tâm để nói cho con nghe lời chính là ngồi xuống thấp ngang tầm mắt bé.
Ngồi xuống ngang tầm bé khi nói chuyện với bé
Trẻ ở bất cứ độ tuổi nào, thậm chí là 0 tuổi thì việc thiết lập kênh giao tiếp giữa trẻ và bố mẹ luôn là vấn đề quan trọng để xây dựng niềm tin, sự tôn trọng qua lại lẫn nhau trong gia đình. Hơn thế nữa, chỉ khi giao tiếp hiệu quả với nhau, nói khác đi điều bố mẹ muốn truyền tải được con lắng nghe và thấu hiểu, trái lại mong muốn của con được bố mẹ đồng cảm, đáp ứng... thì việc dạy con mới có kết quả và trẻ cũng thoải mái.
Luôn đặt câu hỏi với trẻ, dùng ngôn ngữ cơ thể, chọn từ ngữ thích hợp... là những kĩ năng giao tiếp hiệu quả với trẻ được các chuyên gia tâm lý khuyên các bố mẹ nên áp dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề quan trọng đó, chuyên gia Montessori Lê Mai Hương đã chỉ ra một trong những sai lầm khi bố mẹ nói chuyện với con đó là không ngồi xuống ngang tầm mắt con, nhìn thẳng vào mắt con.
Từ đó, chị đã giải thích lý do vì sao việc ngồi xuống thấp ngang tầm mắt bé là yếu tố then chốt để nói chuyện với con một cách hiệu quả nhất, giúp con dễ dàng nghe lời. Dưới đây là 10 lý do cực kỳ thuyết phục chị Lê Mai Hương đưa ra:
- Khi bạn ngồi xuống thấp ngang tầm mắt bé, bạn mới chuyển bị sẵn sàng cho một cuộc đối thoại với em bé
- Khi đó bạn có thể đọc được cảm xúc trên khuôn mặt em bé và ngược lại giúp em bé đọc cảm xúc trên khuôn mặt bạn để giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể hiệu quả hơn
- Khi ngồi ngang tầm mắc bé, bé sẽ hiểu bạn sẽ lắng nghe như một người bình đẳng
- Em bé sẽ được giúp nếu cần vì bạn đủ thời gian khi bạn ngồi xuống thấp ngang tầm mắt em bé
- Khi ngồi ngang tầm với bé, bạn không còn là người khổng lồ đáng sợ trong mắt bé
- Bạn sẽ nhìn thế giới xung quang đúng tầm nhìn của bé khi ngồi ngang tầm bé
- Khi ngồi ngang tầm bé bạn thực sự quan tâm đến điều em bé nói
- Khi ngồi ngang tầm bé bạn khiêm tốn quay về tuổi của em bé để sẵn sàng giao tiếp phù hợp với trình độ của độ tuổi đó
- Khi ngồi ngang tầm bé bạn thể hiệ mối quan hệ bình đẳng tôn trọng lẫn nhau
- Khi ngồi ngang tầm bé, bé nghe rõ và hiểu bạn hơn
Dù là nói với bé chuyện gì thì sau khi đã ngồi xuống ngang tầm mắt bé, bố mẹ mới nên bắt đầu cuộc nói chuyện. Ngoài vấn đề cần lưu ý này ra, có một số nguyên tắc khác bố mẹ nên tuân thủ để các cuộc trò chuyện với con đạt hiệu quả tốt nhất:
- Luôn luôn tập trung lắng nghe khi trẻ nói, tuyệt đối không vừa nghe vừa làm việc khác hoặc để ý đi chỗ khác. Điều đó giúp trẻ cảm nhận được rằng bố mẹ thực sự quan tâm đến điều mà trẻ đang nói và con cũng học được cách biết lắng nghe hơn.
- Khuyến khích trẻ bày tỏ, bằng cách sử dụng các câu hỏi mở. Không phải việc gì trẻ cũng sẵn sàng mở lòng nói thật cho bạn biết. Vì vậy, không chỉ tạo niềm tin cho trẻ mà đôi khi bạn vẫn cần khuyến khích trẻ chủ động chia sẻ để bố mẹ hiểu hơn.
- Tuyệt đối không ngắt lời trẻ. Với trẻ nhỏ, việc bày tỏ suy nghĩ của mình thường gặp phải một số khúc mắc nhất định. Khi ấy, thay vì ngắt lời trẻ hoặc gạt đi, bố mẹ cần nhẹ nhàng, kiên nhẫn và gợi ý trẻ diễn đạt suy nghĩ của mình.
- Biết điểm dừng. Khi trẻ không sẵn lòng nói chuyện, tốt nhất bố mẹ nên tôn trọng cảm xúc cũng như sự riêng tư của trẻ, hãy đợi một thời điểm thuận lợi hơn.