1. Giữ đủ ấm, đừng nóng quá
Để phòng bệnh hô hấp, quan trọng nhất là giữ đủ ấm cho trẻ, nhất là ấm hai bàn chân, ngực, cổ và đầu, tránh ra gió. Về đêm, khi nhiệt độ xuống thấp, việc ủ ấm cho trẻ là rất quan trọng. Rất nhiều trẻ bị nhiễm lạnh dẫn tới viêm đường hô hấp trên mà nguyên nhân là do trẻ không đủ ấm khi ngủ (không mặc ấm hoặc ngủ say nên trẻ đạp bung chăn mà không biết). Do vậy, khi đi ngủ, cần mặc ấm cho trẻ. Nếu cần, có thể mặc thêm áo nhưng mặc ngược (nếu mặc áo ngược nên chọn áo có cỡ rộng hơn bình thường mà trẻ mặc) để giữ ấm phần ngực, cổ trong khi lưng vẫn được thoáng, không bị quá nóng dẫn đến rịn mồ hôi lưng.
Các bậc phụ huynh cũng nên lưu ý rằng, khi trẻ ra mồ hôi nhiều mà không để ý lau khô, mồ hôi sẽ bị ngấm ngược lại cơ thể, khiến bé bị lạnh và có thể gây viêm phổi, không ít bé ốm phải vào viện, một phần vì cha mẹ ủ bé quá kỹ. Khi đến khám, bác sĩ vén lưng áo cháu lên để nghe phổi thì thấy lưng, ngực dính dính mồ hôi.
Vì thế, vấn đề cần quan tâm là các bà mẹ cần chú ý đến việc mặc quần áo của trẻ sao cho hợp lý. Nếu bé ở nhà, có thể để ý bé đủ ấm hay không bằng cách sờ vào hai tay cháu, nếu thấy ấm, không giá thì là bé đã mặc đủ đồ. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, khi bé chơi đùa, vận đồng nhiều thì cần thường xuyên kiểm tra lưng, ngực bé, nếu thấy có dính mồ hôi phải dùng khăn mềm lau khô, bỏ bớt áo để thân nhiệt bé trở về bình thường, sau đó mới lại mặc áo.
Với những cháu nhỏ còn bú mẹ, khi bú rất hay rịn mồ hôi đầu, lưng cũng cần chú ý lau khô ngay. Sau khi bú xong, nghỉ ngơi, bé sẽ không còn bị ra mồ hôi nữa.
Còn khi đi đường, nhất là với những bé ở nhà chung cư, khi nào xuống đến tầng 1, chuẩn bị xe cộ sẵn sàng thì mới ủ thêm cho bé lớp áo dày, khăn đi đường. Vì nếu quá ấm ngay từ trong nhà, còn phải trải qua một thời gian đi cầu thang, lấy xe khiến bé rất nóng nực, rịn mồ hôi. Cũng cần chú ý thái độ của bé, thường nếu nóng quá, bé sẽ cố ưỡn lên khỏi tay người bế.
Chú ý mặc áo bên trong cho bé bằng chất cotton, thoáng, dễ thấm mồ hôi. Luôn giữ ấm cổ cho trẻ bằng một khăn xô. Nên mặc quần tất khi cho trẻ đi đường vì như thế sẽ hạn chế được tình trạng hở chân do quần bị kéo lên.
2. Ăn, uống đồ ấm và đủ chất
Việc này rất có ý nghĩa trong việc phòng bệnh một số bệnh về họng cho trẻ. Thời tiết mùa đông vốn hanh, khô, bạn có thể tạo môi trường khí ẩm bằng cách mở nắp ấm nước nóng trong phòng ngủ, không khí ẩm, ấm sẽ làm dịu khí quản, phế quản, giúp bé đỡ bị khô mũi, dễ thở hơn.
Nếu bé ăn bột quá chậm, bạn nên để bát bột trong một bát nước nóng để đảm bảo bột bé ăn luôn được ấm. Với những trẻ ăn sữa bằng cách bón cũng nên làm như vậy. Sữa, bột, nước ấm sẽ giúp bé dễ ăn hơn là những thìa bột, sữa lạnh ngắt.
Việc cho trẻ uống một đồ uống gì đó nóng ấm lúc đi ngủ cũng rất có tác dụng làm dịu họng, nhất là với những bé đang húng hắng tắc ho.
Nhớ cho trẻ ăn một chế độ ăn đa dạng, phong phú thực phẩm, rau quả, trái cây sẽ giúp cơ thể bé khoẻ mạnh, có sức đề kháng chống đỡ lại các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp hay gặp trong mùa đông.
3. Vệ sinh răng miệng, thân thể sạch sẽ
Trong những ngày đông, đôi khi vì lạnh mà cha mẹ ít tắm cho con. Nếu vậy bé sẽ rất ngứa ngáy, khó chịu. Cách ngày, bạn hãy tắm cho bé một lần. Nhưng nhớ là tắm trong phòng kín gió. Nếu có điều kiện, hãy bật máy sưởi lên cho ấm phòng trước khi cho bé tắm. Hoặc mở vòi nước nóng để hơi nóng lan toả khắp phòng rồi hãy tắm cho bé.
Đặc biệt, mỗi ngày, bạn cần vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch sẽ trước khi ăn, ngủ. Với những bé đã đánh được răng, bạn hãy pha nước ấm cho bé đánh. Nếu dùng nước lạnh trời này sẽ rất buốt. Còn với những trẻ nhỏ, sau ăn, bạn nhớ cho trẻ tráng miệng bằng vài thìa nước lọc ấm, nó rất có giá trị để làm trôi cặn sữa, bột, giúp miệng bé luôn sạch sẽ.
Mỗi sáng, cha mẹ có thể nhỏ một vài giọt muối sinh lý 0,9% vào họng bé. Nó có giá trị sát khuẩn nhẹ, giúp phòng bệnh viêm họng.
4. Chơi, ngủ trong phòng thoáng, tránh gió lùa
Những trẻ ở lứa tuổi đi mẫu giáo, đi học thường bị bệnh về đường hô hấp nhiều nhất, do các cháu thường xuyên phải thay đổi môi trường. Còn với lứa tuổi nhỏ hơn, do trời lạnh, được ở trong nhà nhiệt độ ổn định hơn nên cũng ít nguy cơ bị nhiễm bệnh. Vì thế, khi đưa trẻ đi học, phải ủ ấm và nhớ luôn mang theo khẩu trang bảo vệ mũi, miệng khi đi đường. Cho bé chơi, ngủ trong phòng thoáng nhưng không có gió lùa.
5. Đừng tự trị bệnh cho trẻ
Khi trẻ có dấu hiệu bệnh về đường hô hấp, cách tốt nhất là làm sạch, thông thoáng đường hô hấp bằng muối sinh lý. Sau đó, nếu tình trạng không đỡ nên đưa trẻ tới viện khám để xác định nguyên nhân. Với những trường hợp viêm mũi dị ứng thông thường, viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh… chỉ dùng nước muối sinh lý nhỏ để làm sạch đường hô hấp rất có tác dụng.
Đừng tự trị bệnh cho trẻ, kể cả chỉ dùng thuốc ho dạng siro. Đáng nói là nhiều bệnh nhi trước khi đến khám tại bệnh viện, gia đình đã tự cho uống nhiều loại thuốc kháng sinh không đúng cách hoặc để quá lâu nên dẫn đến bệnh nặng, điều trị khó khăn hơn và dễ xảy ra những biến chứng bất thường.
Ngoài ra, cần chú ý đảm bảo vệ sinh cho trẻ, thực hiện ăn chín uống sôi, vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau ăn rất hữu ích phòng căn bệnh tiêu chảy mùa đông.