Theo Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em Nguyễn Đức Vinh, việc ra đời ngân hàng sữa mẹ đầu tiên là bước tiến quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ sơ sinh tại VN. “Tôi mong muốn mô hình ngân hàng sữa mẹ sẽ nhanh chóng nhận được nhiều thành công, và từ đó tạo sức lan tỏa, nhân rộng đến nhiều vùng miền tại VN, ngày càng có nhiều trẻ em được hưởng nguồn sữa mẹ quý giá”, ông Nguyễn Đức Vinh nói.
Sữa mẹ thu thập vào ngân hàng sữa mẹ sẽ thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, với bước đầu tuyển chọn và sàng lọc người hiến sữa, kế đến là vắt sữa đảm bảo vệ sinh. Sau đó sẽ xử lý sữa có kiểm soát nhiệt độ. Tiếp đến sẽ tiệt trùng, xét nghiệm vi khuẩn và vận chuyển có kiểm soát nhiệt độ. Số sữa này sẽ được đưa đến những trẻ sơ sinh cần sữa mẹ.
Hiện nay, các bà mẹ hiến sữa đều phải hiến tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Việc nhận sữa sẽ được mở rộng trên toàn quốc. Theo đó, sẽ có 4 nhóm người hiến tặng sữa gồm: những bà mẹ có con sinh ra khỏe mạnh, cam kết tích cực thu thập sữa để hiến tặng; bà mẹ có con sinh ra khỏe mạnh, vắt và trữ sữa cho con dùng nhưng sau đó hiến tặng; bà mẹ vắt sữa để duy trì nguồn sữa, nên khi con họ bú no không cần trữ sữa dự trữ, họ sẽ hiến tặng một phần hoặc toàn bộ phần sữa; bà mẹ có con tử vong quyết định duy trì nguồn sữa của mình để hiến tặng.
TS-BS Trần Thị Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, cho hay tại bệnh viện này mỗi năm bình quân có khoảng 15.000 trẻ được sinh ra, khoảng 3.000 - 4.000 trẻ không được tiếp cận nguồn sữa mẹ. Đó là những bé sinh non, nhẹ cân, bị bỏ rơi, hoặc mắc bệnh phải cách ly mẹ từ sớm, hoặc người mẹ bị các bệnh lây truyền... Con số này nếu tính chung tại VN sẽ nhiều hơn gấp nhiều lần. Ngân hàng sữa mẹ sẽ bù đắp cho những trẻ này vượt qua được những mất mát ban đầu.
Mô hình ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng triển khai thành công sẽ nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Bà Nemat Hajeebhoy, Giám đốc dự án Alive & Thrive VN, chia sẻ tại các quốc gia phát triển trên thế giới đều xây dựng mô hình ngân hàng sữa mẹ từ hàng chục năm qua. Tại châu Âu hiện có 210 ngân hàng sữa mẹ, cùng 17 ngân hàng sữa mẹ đang được lên kế hoạch hình thành. Bà Nemat Hajeebhoy cho rằng việc thành lập ngân hàng sữa mẹ tại VN là vô cùng cần thiết và cấp thiết, sẽ là động thái tuyên truyền mạnh mẽ đến các bà mẹ VN về sự quý báu của nguồn sữa mẹ, qua đó họ sẽ trân trọng và gìn giữ, bằng mọi cách để con mình có thể bú được sữa mẹ thay vì nuôi con bằng sữa công thức sẽ không tốt bằng.
Theo các bác sĩ, trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc các bệnh nhiễm khuẩn, giảm tỷ lệ mắc chứng đột tử, tỷ lệ bệnh tật và tử vong có sự liên quan với thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.