Ngày 28/11, Vinamilk có thông tin gửi báo chí, trong đó khẳng định rằng:
Hiện tổng đàn bò của Vinamilk đang quản lý và khai thác sữa là khoảng 120 ngàn con bò với sản lượng sữa tươi nguyên liệu là 800 tấn/ngày.
Với mức đăng ký tham gia chương trình Sữa học đường tại Hà Nội hiện nay thì mới chỉ sử dụng hết khoảng 12% tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu của Vinamilk.
Yêu cầu trong Hồ sơ mời thầu của Hà Nội có bị vi phạm?
Sở dĩ chúng tôi cho rằng, bất cứ doanh nghiệp nào tham gia chương trình Sữa học đường cũng phải minh bạch năng lực sản xuất sữa tươi nguyên liệu đầu vào là để tránh sự nhập nhèm;
Có như vậy thì người dân, truyền thông mới có công cụ để giám sát chất lượng ly sữa học đường cũng như hiệu quả sử dụng đồng vốn quý báu từ ngân sách.
|
Ảnh chụp một phần trang 16, mục 30. Nhà thầu phụ, Hồ sơ mời thầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. |
Trang 16 Hồ sơ mời thầu của Hà Nội, mục 30. Nhà thầu phụ quy định:
"Nhà thầu chính được ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ trong danh sách các nhà thầu phụ kê khai. Việc sử dụng nhà thầu phụ sẽ không làm thay đổi các trách nhiệm của nhà thầu chính.
Nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng, tiến độ và các trách nhiệm khác đối với phần công việc do nhà thầu phụ thực hiện..."
"Trường hợp trong hồ sơ dự thầu, nếu nhà thầu chính không đề xuất sử dụng nhà thầu phụ cho một công việc cụ thể hoặc không dự kiến các công việc sẽ sử dụng nhà thầu phụ thì được hiểu là nhà thầu chính có trách nhiệm thực hiện toàn bộ các công việc thuộc gói thầu.
Trường hợp tong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu phát hiện việc sử dụng nhà thầu phụ thì nhà thầu chính sẽ được coi là vi phạm hành vi "chuyển nhượng thầu theo quy định tại Mục 3 CDNT."
Báo Kinh tế và Đô thị ngày 28/11/2018 đưa tin, ngày 23/11/2018 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chính thức ban hành Quyết định số 2484/QĐ-SGDĐT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 1 về Mua sữa thuộc đề án Sữa học đường.
Theo đó Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk là đơn vị trúng thầu, nhà thầu phụ là Công ty Cổ phần Sữa quốc tế (IDP). [1]
Chúng tôi cũng đã xác minh lại với Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến và được ông cho biết, Vinamilk chỉ có 1 nhà thầu phụ là Công ty Cổ phần Sữa quốc tế.
|
Ngày 27/11/2018, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nghe báo cáo và kết luận về đấu thầu Sữa học đường tại Hà Nội, ảnh: Ngọc Tú / Kinh tế và Đô thị. |
Như vậy không có hộ nông dân nuôi bò sữa nào nằm trong danh sách các nhà thầu phụ của Vinamilk, vậy 100 nghìn con bò sữa của nông dân sẽ cung cấp sữa tươi nguyên liệu cho Sữa học đường của Vinamilk có hợp lệ?
Hồ sơ mời thầu của Hà Nội đã quy định rõ:
"Nếu nhà thầu chính không đề xuất sử dụng nhà thầu phụ cho một công việc cụ thể hoặc không dự kiến các công việc sẽ sử dụng nhà thầu phụ thì được hiểu là nhà thầu chính có trách nhiệm thực hiện toàn bộ các công việc thuộc gói thầu."
Như vậy, phải chăng Vinamilk có trách nhiệm "thực hiện toàn bộ các công việc thuộc gói thầu" mà ở đây là sản xuất sữa tươi nguyên liệu?
Nếu quả thực như vậy, việc Vinamilk mua sữa tươi nguyên liệu từ nông dân cung cấp cho chương trình Sữa học đường mà không phải tự sản xuất có được xem là vi phạm yêu cầu trên của Hồ sơ mời thầu?
Trong khi theo phản ánh của Báo Nhân Dân, Vinamilk đang mua sữa tươi nguyên liệu của nông dân với 5 loại giá cho 5 loại chất lượng khác nhau.
Sữa tươi nguyên liệu loại 1 mua của nông dân chỉ chiếm từ 10% đến 20%, vậy loại sữa tươi nguyên liệu nào trong 5 loại thu mua của nông dân, sẽ được sử dụng cho chương trình Sữa học đường tại Hà Nội?
|
Ảnh minh họa: Nhật Nam / Hà Nội Mới. |
Chúng tôi thiết nghĩ, đây là những tiêu chí đánh giá rất quan trọng để giúp người dân giám sát chất lượng ly sữa học đường cũng như hiệu quả đồng vốn ngân sách, mà thông tin còn thiếu rõ ràng như thế này;
Vậy các tiêu chí mang tính kỹ thuật trong quy trình sản xuất ly sữa học đường (ví dụ thành phần sữa tươi nguyên liệu chiếm bao nhiêu % hay dư lượng kháng sinh, tồn dư các loại thuốc bị cấm sử dụng cho bò sữa...), người dân làm sao giám sát được?
Minh bạch thông tin chỉ có lợi, cho cả trẻ em thụ hưởng, đồng vốn ngân sách, doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của nền sản xuất
Hà Nội đang bỏ qua sự không rõ ràng, minh bạch thông tin của nhà thầu Sữa học đường, bất chấp rủi ro và hệ lụy cũng như những bài học đã qua.
Báo Hà Nội Mới ngày thứ Năm 19/10/2006 cho biết, trước những thông tin khác nhau về chất lượng của sữa tươi và sữa tươi tiệt trùng không đúng với công bố ghi trên các hộp sữa, ngày 18/10/2006, sau khi kiểm tra một số Công ty sữa, Thanh tra Bộ Y tế cho biết:
Tại cuộc họp báo của Công ty cổ phần sữa Việt Nam, chiều 18/10/2006, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Việt Nam đã thông báo về loại sản phẩm mang nhãn “sữa tươi tiệt trùng nguyên chất” đang lưu hành trên thị trường thì hàm lượng sữa bò tươi chỉ chiếm từ 70% đến 80%. [1]
Chúng tôi xin lưu ý, tỷ lệ thành phần sữa tươi 70%, 80% nói trên là do doanh nghiệp công khai sau thanh tra chứ không phải kết quả kiểm định của một cơ quan chuyên môn độc lập.
Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 15/9/2008 cho biết, cùng ngày Phó Chủ tịch Ủy banh nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc làm việc với 2 công ty thu mua sữa tươi nguyên liệu trên địa bàn là Vinamilk và Dutch Lady.
Lý giải về việc thu mua giá sữa của bà con nông dân quá thấp khiến nông dân ca thán, bà Nguyễn Thị Như Hằng – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho rằng:
Hiện nay công ty vẫn phải “bù lỗ” cho giá sữa đang mua của nông dân. Vinamilk phải nhập tới 70% nguyên liệu sữa bột, trong khi đó lượng sữa tươi mua của nông dân chỉ chiếm 30%.
Nguyên do phải nhập khẩu là vì giá nguyên liệu trên thế giới thấp, và kinh tế hơn nhiều so với mua sữa tươi của nông dân.
Do đó, Vinamilk phải lấy lợi nhuận từ việc sản xuất sữa bột để…bù lỗ cho việc mua sữa tươi của nông dân.