1. Dấu hiệu trẻ bị chàm sữa
Bệnh chàm là tình trạng viêm da cơ địa, đặc trưng bởi da đỏ, ngứa và viêm. Mặc dù bệnh chàm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng bệnh này đặc biệt phổ biến ở trẻ em. Trên thực tế, có khoảng 50-60% trường hợp phát triển trong năm đầu tiên của cuộc đời.
Theo ThS. BS Đỗ Xuân Khoát, nguyên Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện 198, bệnh chàm sữa là tình trạng viêm da mạn tính, không lây, thường xảy ra ở trẻ có tiền sử gia đình có cơ địa dị ứng như cha mẹ có người bị viêm mũi dị ứng, hen suyễn, nổi mề đay, chàm thể tạng… Ngoài ra còn liên quan đến các yếu tố gây dị ứng như: mạt nhà, ve, bọ chét, nấm mốc, bụi, lông chó, lông mèo, một số thức ăn như sữa, trứng…
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị chàm sữa ban đầu là các mảng hồng ban, sẩn, mụn nước; rịn nước, đóng mày, tróc vảy. Vị trí thường ở hai má, có thể lan đến cằm, da đầu, trán, nhưng không có ở mũi.
Trong trường bệnh nặng có thể lan đến mặt duỗi cẳng tay, cẳng chân, khuỷu, da đầu, thân mình, tứ chi.
Nếu không được chăm sóc điều trị đúng cách, bệnh rất dễ tái phát, trẻ thường rất khó chịu, hay quấy khóc, ăn kém, ngủ không ngon giấc. Các vùng da bị ngứa khiến trẻ bứt rứt và cào gãi liên tục, do đó có thể làm mụn nước vỡ ra, gây chảy máu, những vùng da bị tổn thương có thể bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp thêm các dấu hiệu dị ứng của bệnh hen suyễn hoặc viêm mũi.
Chàm sữa nếu không điều trị dứt điểm, sau giai đoạn 2 tuổi sẽ chuyển thành chàm thể tạng ở trẻ em 2-12 tuổi.
Chàm thể tạng ở trẻ em có triệu chứng khác so với chàm sữa, thương tổn thường khu trú ở nếp gấp khuỷu, khuỷu tay, khoeo chân, nếp gấp cổ chân, nếp gấp cổ, nặng hơn có cả ở bẹn, nách; da dày như hàm cổ trâu…
Hình ảnh trẻ bị chàm sữa.
2. Trẻ bị chàm sữa cần xử trí và chăm sóc như thế nào?
Khi trẻ có dấu hiệu bị chàm sữa cha mẹ nên cho trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn điều trị chăm sóc đúng cách.
- Cần vệ sinh cá nhân cho trẻ thật tốt, đặc biệt là sau khi ăn.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với xà phòng, các loại hóa chất như thuốc tẩy, nước hoa…
- Nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát bằng vải cotton để thấm tốt mồ hôi và cho da thông thoáng.
- Vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng nhà ở và phòng ngủ của trẻ. Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc, không khí ô nhiễm. Không nuôi súc vật trong như chó, mèo...
- Bôi kem dưỡng ẩm cũng rất quan trọng trong chăm sóc viêm da cơ địa.
- Lưu ý không tự ý sử dụng các loại thuốc bôi có chứa corticosteroids khi không có chỉ định của bác sĩ
Cha mẹ cần lưu ý: Trẻ bị mắc chàm sữa cần tránh các yếu tố có thể khiến bệnh tái phát hoặc làm nặng thêm các triệu chứng như: Các dị ứng nguyên (một số thức ăn dễ gây dị ứng, không khí ô nhiễm, nóng, lạnh hay khô, khói thuốc, lông chó, mèo…); Các chất kích ứng da như: xà phòng, thuốc tẩy, vải len...
Trẻ bị chàm sữa cần được điều trị chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ. Ảnh minh họa
3. Một số thực phẩm dễ gây dị ứng có thể làm nặng thêm bệnh chàm ở trẻ nhỏ
Theo nghiên cứu trong nhiều trường hợp trẻ bị chàm bị dị ứng thực phẩm có thể làm cho các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Ở những trẻ đã được xác nhận là bị dị ứng thực phẩm, việc loại bỏ các loại thực phẩm dễ gây dị ứng có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh chàm và giúp ngăn ngừa tái phát.
Dưới đây là một số thực phẩm được coi là dễ gây dị ứng:
3.1. Sữa
Dị ứng sữa bò và các sản phẩm từ sữa là dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở trẻ nhỏ và là một trong những tác nhân phổ biến gây ra bệnh chàm.
3.2. Cá và động vật có vỏ
Mặc dù cả cá và động vật có vỏ đều có giá trị dinh dưỡng cao và là nguồn cung cấp protein và axit béo omega-3 rất tốt, nhưng chúng cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh chàm đối với nhiều trẻ em.
Điều này là do dị ứng cá và động vật có vỏ là phổ biến và có thể gây ra một loạt các phản ứng bao gồm phát ban, ngứa và chàm.
Trong khi một số trẻ có thể nhạy cảm với nhiều loại cá hoặc động vật có vỏ, những trẻ khác có thể chỉ bị phản ứng với một số loại nhất định, chẳng hạn như động vật giáp xác (như tôm và cua) hoặc động vật thân mềm (như hàu và trai). Khi xác định được trẻ có biểu hiện dị ứng với loại nào thì cần tránh trẻ ăn thực phẩm đó.
Tôm là thực phẩm có thể gây dị ứng với một số trẻ em.
3.3. Đậu nành
Dị ứng đậu nành thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng có một số người sẽ bị ảnh hưởng cả đời.
Dị ứng đậu nành có thể gây ra nhiều phản ứng khác nhau, bao gồm phát ban da đặc trưng bởi rất nhiều mụn nhỏ nổi lên, màu đỏ. Loại phát ban này điển hình là rất ngứa.
Đối với những người bị dị ứng đậu nành, tiêu thụ các sản phẩm đậu nành như sữa đậu nành, đậu phụ có thể gây ra phản ứng miễn dịch, gây ra các phản ứng trên da như bệnh chàm.
3.4. TrứngGiống như các dị ứng thực phẩm khác, dị ứng trứng có thể dẫn đến phát ban và một số các phản ứng có thể nghiêm trọng.
3.5. Hạt cây
Hạt cây là một trong loại thực phẩm phổ biến gây dị ứng thường liên quan đến sốc phản vệ, một phản ứng dị ứng có thể gây tử vong.
Khi bị dị ứng hạt cây, người bệnh thường có biểu hiện ngứa trong miệng, cổ họng, da và mắt. Dị ứng hạt cây có thể làm trầm trọng thêm bệnh chàm đối với nhiều trẻ nhỏ. Các loại hạt cây dễ gây dị ứng bao gồm: quả hạnh, hạt điều, quả óc chó, hồ đào…
3.6. Đậu phộng
Dị ứng đậu phộng rất phổ biến ở trẻ em. Dị ứng đậu phộng có một loạt các triệu chứng, bao gồm cả phát ban ngứa. Trẻ em bị chàm nặng hoặc dị ứng trứng có nhiều nguy cơ bị dị ứng đậu phộng.
3.7. Lúa mì hoặc gluten
Lúa mì là một loại hạt ngũ cốc và là thành phần chính trong nhiều loại thực phẩm như bánh mì, mì ống và bánh nướng. Gluten là một loại protein cụ thể được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen giúp bột nhào có cấu trúc và độ đàn hồi.
Đối với những người bị dị ứng lúa mì, tiêu thụ các sản phẩm có chứa lúa mì có thể làm trầm trọng thêm bệnh chàm và cũng có thể gây ra các triệu chứng khác, bao gồm phát ban, hen suyễn và các vấn đề tiêu hóa.
Bệnh chàm và phát ban trên da cũng có thể do nhạy cảm với gluten, một tình trạng tự miễn dịch gây ra phản ứng miễn dịch khi tiêu thụ thực phẩm chứa gluten.
4. Thực phẩm nào tốt cho trẻ bị chàm sữa?
Trong khi một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng có thể làm cho các triệu chứng bệnh chàm trở nên trầm trọng hơn, theo nghiên cứu, có một số loại thực phẩm có thể có lợi cho bệnh chàm và có thể giúp giảm các triệu chứng như ngứa và viêm như trái cây và rau quả giàu chất chống oxy hóa, thực phẩm chứa men vi sinh…
Việc bổ sung men tiêu hóa cũng được chứng minh là có lợi cho bệnh chàm. Men tiêu hóa có tác dụng cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, tăng cường hấp thu dinh dưỡng ở trẻ. Hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể sinh ra kháng thể chống lại những bệnh dị ứng, trong đó có bệnh chàm.
ThS. BS Đỗ Xuân Khoát thăm khám cho bệnh nhi.
Lời khuyên của bác sĩ
ThS. BS Đỗ Xuân Khoát khuyên các bậc cha mẹ, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh chàm nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và tư vấn điều trị đúng cách.
Về vấn đề ăn uống, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Cha mẹ nên ghi chép cụ thể thực đơn của trẻ. Không nhất thiết phải tránh tất cả những thực phẩm có thể gây dị ứng nói trên vì cơ địa mỗi người là khác nhau, có trẻ dị ứng với thực phẩm này nhưng trẻ khác lại không. Đặc biệt với những loại thực phẩm rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như cá, trứng, sữa…
Lưu ý có một số thực phẩm thường gây dị ứng và dị ứng nặng như tôm và các chế phẩm từ tôm như mắm tôm; nhộng tằm, nhộng ong, thịt ba ba… Cha mẹ cần theo dõi nếu thấy trẻ có biểu hiện dị ứng với loại thực phẩm nào thì cần tránh loại thực phẩm đó.