Quấn trẻ sơ sinh được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, nhưng điển hình và hay được đề cập nhiều nhất là quấn trẻ trong tấm khăn hay mền mỏng, chỉ có đầu được lộ ra còn tất cả bộ phận còn lại, kể cả tay và chân đều nằm trong khăn. Đây là cách từ xưa đến nay vẫn cho rằng sẽ giúp trẻ yên tâm, mang đến cảm giác như còn trong bụng mẹ, giúp trẻ ngủ ngon, không giật mình.
Tuy nhiên, quấn trẻ lại mang đến một rủi ro lớn, nghiên cứu khẳng định. “Những trẻ sơ sinh được quấn như thế này sẽ có nguy cơ đột tử khi ngủ cao hơn 50 đến 60% so với trẻ không được quấn bọc”, người đứng đầu cuộc nghiên cứu - Tiến sĩ Rachel Moon, đồng thời là Giáo sư Nhi khoa tại Trường Y thuộc Đại học Virginia - phát biểu.
Dù nguy cơ đột tử tăng khi quấn trẻ sơ sinh trong khăn nhưng nguy cơ còn tăng cao hơn khi trẻ được quấn lại nằm sấp, theo bà Moon và các cộng sự công bố trong nghiên cứu. Những đứa trẻ này, so với trẻ không quấn khi ngủ sẽ có nguy cơ đột tử cao hơn khoảng 13 lần. Nguy cơ cũng gia tăng khi trẻ 6 tháng tuổi, khi trẻ đã có thể tự mình lăn đổi tư thế khi ngủ vào lúc 4 tháng tuổi.
Đồng thời, nghiên cứu cũng khuyến khích bố mẹ không nên để trẻ sơ sinh nằm sấp khi ngủ. “Khi trẻ đã lớn hơn, biết tự lăn mình đổi tư thế ngủ thì không nên quấn nữa và cũng không cho trẻ nằm sấp ngủ”, Tiến sĩ Moon phát biểu.
Trẻ bị ngạt đường thở mà không được phát hiện kịp thời nên dẫn đến tử vong.
Theo một ý kiến khác của Gloria Riefkohl - bác sĩ Nhi khoa ở Bệnh viện Nhi Nicklaus tại Miami - lại cho rằng: “Tôi thường không khuyên quấn trẻ ngủ qua đêm. Tôi nghĩ việc làm này nên được kết thúc. Thay cho tấm khăn, hãy “quấn” trẻ bằng đôi tay của bạn để trẻ cảm nhận được hơi ấm”. Bác sĩ nhấn mạnh rằng, dù trẻ ngủ cùng bố mẹ cũng không nên quấn trẻ trong khăn như thế.