Nếu bạn đang thắc mắc liệu trẻ 17 tháng tuổi biết làm những gì và chế độ ăn của bé như thế nào thì đừng bỏ qua bài viết sau của Hello Bacsi nhé.
Sự phát triển của trẻ 17 tháng tuổi
Có rất nhiều điều mà con bạn sẽ bắt đầu làm trong giai đoạn này. Bạn sẽ rất vui khi thấy những kỹ năng của con phát triển vượt bậc. Đôi khi, bố mẹ sẽ ngạc nhiên về việc bé yêu biết tự làm một vài việc và có những lúc cũng sẽ bực mình vì trẻ 17 tháng tuổi không thực sự lắng nghe bạn và làm theo hướng dẫn của bạn.
Dưới đây là một số cột mốc phát triển của bé 17 tháng tuổi mà bố mẹ có thể quan tâm:
Phát triển về thể chất
Ở giai đoạn này, sự phát triển thể chất của bé yêu nhà bạn đột nhiên được cải thiện. Một số điều mà bạn nhận thấy là:
- Có thể tự đi và đôi lúc sẽ tự muốn được bước đi mà không có người lớn ở kế bên để nâng đỡ
- Đôi khi, bạn sẽ nhận thấy em bé sẽ cố gắng lẻn ra khỏi giường hay nôi
- Trẻ 17 tháng tuổi sẽ thử leo trèo trên mọi thứ, từ đồ nội thất, giường ngủ hoặc bất cứ thứ gì cao mà bé cảm thấy hứng thú
- Đến bây giờ, bạn sẽ chú ý cách con bạn sử dụng tay để cầm đồ và ăn. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy bé thuận tay nào vào thời điểm này.
Khi con được 17 tháng tuổi, bạn hãy cho bé được tự do khám phá thế giới xung quanh nhằm phát triển các kỹ năng phối hợp hoạt động tay chân nhưng đồng thời, coi chừng những rủi ro. Để an toàn hơn, hãy đánh dấu những nơi không an toàn và nói hoặc ra hiệu với con. Mặc dù bé chưa thể hiểu ngay lập tức nhưng theo thời gian, trẻ sẽ có thể xác định được nơi nào trong nhà có nguy cơ khiến con bị thương và tránh xa khu vực đó.
Phát triển cảm xúc và tương tác
- Trong giai đoạn này, bé 17 tháng tuổi sẽ khám phá các mối quan hệ và sẽ bắt đầu nhận ra những khuôn mặt quen thuộc mà con hay tiếp xúc
- Con bạn có thể sử dụng các hành động như đánh hay cắn khi bé bực bội. Các cảm giác như tức giận, hạnh phúc, buồn bã đều được thể hiện rõ ràng trên gương mặt của trẻ.
- Một sự phát triển khác về giao tiếp mà bạn có thể nhận thấy ở bé 17 tháng tuổi là con có thể nhận ra người lạ hay quen một cách khá dễ dàng. Tránh ép buộc con phải tương tác hay tỏ ra hòa đồng. Trẻ sẽ tìm cách kết bạn và tương tác trong thời gian và tốc độ của riêng con.
- Đôi khi bé yêu sẽ tỏ ra chống đối và cáu bẳn với tất cả mọi thứ nhưng thay vì quát nạt hay dỗ dành, bố mẹ hãy cho con thời gian để tự bình tĩnh lại nhé.
- Bạn cũng sẽ nhận thấy bé bắt đầu khóc mếu khi bố mẹ rời đi. Do vậy, bạn hãy dỗ dành để con an tâm nhé.
Mặc dù những cột mốc em bé 17 tháng tuổi sẽ khiến bạn cảm thấy vui mừng nhưng vẫn có những lúc bé tỏ ra bướng bỉnh và tình huống như vậy đều hoàn toàn bình thường. Những gì bạn nên làm là kiên nhẫn và không mất bình tĩnh bởi la hét hay cáu bẳn với trẻ nhỏ chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn.
Phát triển nhận thức và ngôn ngữ
- Đây là giai đoạn các bé 17 tháng tuổi bắt đầu khám phá ngôn ngữ và tập nói những từ mới dẫu cho những từ này con phát âm không đúng cho lắm
- Bạn sẽ mất một thời gian để làm quen với cách bé nói chuyện với mình. Tuy nhiên, hãy khuyến khích con yêu trò chuyện giao tiếp để phát triển vốn từ vựng của bé yêu nhé.
- Cuối cùng, trẻ nhỏ bắt đầu trở nên kiên nhẫn hơn trong việc quan sát người lớn đang làm gì.
Giấc ngủ của bé 17 tháng tuổi
Trẻ nhỏ 17 tháng tuổi cần ngủ khoảng 14 giờ mỗi ngày. Giấc ngủ cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của bạn, vì vậy hãy đảm bảo bé ngủ đủ giấc hoặc bạn cũng có thể cho con được chợp mắt bất cứ khi nào bé muốn nhé.
Khi bé ở độ tuổi này, bạn cũng có thể nhận thấy khá khó để dỗ con đi vào giấc ngủ hoặc đang ngủ ngon nhưng lại tỉnh dậy quấy khóc. Đây là hiện tượng khá bình thường dù khiến không ít bố mẹ mệt mỏi vì phải dỗ dành con gần như suốt cả đêm, dẫu cho như vậy, bạn hãy cố gắng kiên nhẫn và luôn cho trẻ biết bố mẹ yêu bé nhiều như thế nào nhé.
Dinh dưỡng cho trẻ 17 tháng tuổi
Một số vitamin, khoáng chất và thực phẩm tốt cho trẻ 17 tháng tuổi gồm:
Carbohydrate
Carbohydrate giúp bé có thể thực hiện tất cả các hoạt động trong một ngày. Ngoài việc cung cấp năng lượng, carbohydrate còn thúc đẩy sự phát triển trí não ở trẻ 17 tháng tuổi. Một em bé trong giai đoạn tập đi nên bổ sung khoảng 135 gram carbohydrate mỗi ngày với các thực phẩm lành mạnh như sữa chua, khoai tây, gạo, chuối.
Protein
Protein là một yếu tố dinh dưỡng cần thiết khác cho sự phát triển toàn diện của con. Bạn hãy cho bé ăn dặm các món ăn từ thịt bò, thịt heo, đậu nành để giúp trẻ tích trữ đủ năng lượng giúp xây dựng cơ bắp chắc khỏe cũng như đủ sức vui chơi khám phá cả một ngày dài.
Sắt
Một khi em bé được cai sữa mẹ, lượng sắt mà con hấp thụ vào cơ thể mỗi ngày có thể bị ảnh hưởng theo. Sắt là khoáng chất cần thiết cho mục đích tạo máu, tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ bé phát triển trí não. Thiếu sắt dễ dẫn đến nhiều tình trạng ảnh hưởng xấu đến trẻ 17 tháng tuổi chẳng hạn như thiếu máu, suy dinh dưỡng, da xanh xao nhợt nhạt.
Các chuyên gia khuyến khích bé nên được bổ sung khoảng 7mg sắt mỗi ngày trong chế độ ăn uống từ những thực phẩm giàu chất sắt, chẳng hạn như:
- Gan
- Trứng
- Thịt bò
- Bông cải
- Khoai lang
- Các món ăn biến tấu từ đậu nành (đậu hũ, sữa đậu nành)
- Các món ăn biến tấu từ sữa (sữa chua, váng sữa, phô mai)
Calo
Trẻ 17 tháng tuổi có thể khá biếng ăn và điều này cũng có nguy cơ khiến bé không nhận đủ lượng calo cần thiết để duy trì hoạt động trong ngày. Mỗi ngày, bé nên được nạp vào cơ thể từ 1000- 1400 calo. Đây là một cách tuyệt vời để giúp bé luôn khỏe mạnh, năng động.
Một số thực phẩm giàu calo tốt cho bé yêu mà bạn có thể tham khảo gồm:
- Sữa
- Phôi mai
- Các loại thịt
- Bơ đậu phộng
- Các loại trái cây và rau.
Chất xơ
Để con yêu không bị táo bón, bạn hãy cho con ăn các loại rau đã được hầm mềm với màu sắc bắt mắt chẳng hạn như bông cải, cà rốt, đậu Hà Lan hoặc các loại trái cây như dưa hấu, dưa lưới.
Nước
Bên cạnh sữa thì người lớn cũng nên cho bé uống thêm nước đều đặn các cữ trong ngày để giúp bé không bị khô da cũng như tốt cho quá trình tiêu hóa bạn nhé.
Trẻ 17 tháng tuổi nên ăn bao nhiêu?
Bố mẹ hãy cho bé ăn 3 cữ chính cùng 2 bữa phụ mỗi ngày với khẩu phần rơi vào khoảng 1/4 khẩu phần ăn của người trưởng thành.
Các bài viết của Hello Health Group và Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.