Các nhà nghiên cứu khuyến nghị lượng
đường tiêu thụ một ngày của trẻ em là 6 thìa cà phê - tương đương với
khoảng 100 calo hoặc 25g.
"Một chế độ ăn nhiều đường gắn liền với khả năng tăng cân, béo phì, kháng insulin, rối loạn cholesterol và bệnh gan nhiễm mỡ ở trẻ em, cũng như gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai," tác giả nghiên cứu, Giáo sư Miriam Vos tại Đại học Emory (Mỹ) cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét và phân tích hơn 100 bài báo trước đó và nghiên cứu về ảnh hưởng của đường tới sức khỏe tim mạch ở trẻ. Họ cũng phân tích các chế độ ăn uống và khảo sát lượng đường tiêu thụ tại Mỹ từ năm 2009 đến năm 2012.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trẻ em hiện
đang tiêu thụ nhiều hơn mức được đề nghị trung bình là 25g đường trong
chế độ ăn hàng ngày.
Đường là nguyên nhân gây ra 4 bệnh: đái tháo đường type 2,
bệnh tim, bệnh gan nhiễm mỡ và sâu răng. Đường kích hoạt trung tâm não
bộ, khiến bạn cảm thấy dễ chịu và có nhu cầu tiêu thụ nhiều đường hơn
nữa. Nghiên cứu mới đã cho thấy mối liên kết đáng báo động giữa số lượng
đường trẻ em tiêu thụ hàng ngày và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Đường ăn, đường fructose (trong hoa quả)
hoặc mật ong sử dụng trong quá trình chế biến đều thêm một lượng đường
nhất định vào bữa ăn của bạn. Các loại đồ ăn và đồ uống chế biến sẵn
cũng chứa nhiều đường như nước giải khát, bánh kẹo, bánh quy, bánh ngọt,
kem và bánh nướng.
"Một chiếc bánh rán có thể chứa 23g
đường," Giáo sư Vos nói. "Một bát ngũ cốc có thể dao động từ 1g đến 12g.
Một lon nước ngọt thông thường chứa tới 33g đường. Tôi hy vọng rằng
tuyên bố này sẽ giúp các bậc cha mẹ và các tổ chức giúp chăm sóc con em
tốt hơn. Thực hiện đúng lượng đường khuyến cáo sẽ tạo nên một sự khác
biệt rất lớn cho sức khỏe của trẻ."