Đến dự buổi lễ có Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cùng lãnh đạo Thành ủy, UBND, các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo cán bộ, giáo viên Thủ đô.
Phát biểu tại lễ tuyên dương, đánh giá cao những thành tựu của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô trong những năm qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định, đến với nghề giáo, gắn bó và cống hiến là cả quá trình phấn đâu không mệt mỏi, nhiều nhà giáo đã phải vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống thường ngày để luôn tâm huyết, hết lòng vì sự nghiệp “trồng người” của Thủ đô và đất nước.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm tới, thành phố Hà Nội đã xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá chiến lược. Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố và nhân dân Thủ đô luôn đặt niềm tin lên vai những người thầy trong vai trò “dạy chữ, dạy người”. Vì vậy, các nhà giáo cần tiếp tục trau dồi trình độ chuyên môn, đạo đức nghề, để luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Đảng bộ và chính quyền thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, có những chính sách đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thủ đô.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao cờ thi đua cho các đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm học 2019-2020. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã trao cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua” của UBND thành phố Hà Nội cho 8 phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Đan Phượng. Ngoài ra, có 5 tập thể được nhận cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, 13 tập thể được nhận cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua” của UBND thành phố Hà Nội.
Nhân dịp này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tặng Giấy khen cho 40 nhà giáo đạt Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2019 - 2020.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong năm học 2019 - 2020, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chủ động phối hợp với Sở Y tế Hà Nội ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh trên các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Trong đó, ưu tiên hàng đầu việc đảm bảo an toàn cho hơn 2 triệu học sinh các cấp học của Hà Nội.
Với mục tiêu “tạm dừng đến trường, không dừng học”, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố triển khai dạy, học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, học trên phần mềm Hanoi Study. Các mô hình dạy học đã thu hút gần 100% học sinh tham gia, góp phần duy trì nền nếp, chất lượng giáo dục. Công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô cũng phát động chương trình “Máy tính cho em”, huy động được hơn 2.000 máy tính, điện thoại thông minh và các phương tiện học tập hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập, đặc biệt là học sinh đang học lớp 9 và lớp 12.
Năm học 2019 - 2020, quy mô giáo dục của Hà Nội tiếp tục mở rộng và phát triển mạnh với 2.748 trường mầm non, phổ thông, 2 trường chuyên nghiệp với 2 triệu học sinh. Đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố đã có thêm 44 trường mầm non, phổ thông, nâng tổng số cơ sở lên 2.794 trường với hơn 2,1 triệu học sinh. Mang lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.
Công tác xây dựng trường chất lượng cao và trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm. Hà Nội hiện có 20 trường chất lượng cao (trong đó có 15 trường công lập). Đến tháng 10/2020, Hà Nội có 1.628 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 59,2%.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được tăng cường, có bước phát triển cả về số lượng vấ chất lượng, đảm bảo đồng bộ về cơ cấu. Công tác đổi mới hoạt động dạy học có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng mở, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Công tác thi, tuyển sinh có nhiều điểm mới; nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh được đẩy mạnh, đặc biệt đã triển khai phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp trên toàn thành phố. Điều này đánh dấu sự quyết tâm của ngành giáo dục Thủ đô trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới quản lý, điều hành và cải cách thủ tục hành chính; góp phần tăng cường tính minh bạch, tạo đỉều kiện thuận lợi cho nhân dân Thủ đô.
Đặc biệt, các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục được mở rộng, nâng cao về chất lượng. Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc 1 Chứng chỉ A Level tại 2 trường trung học phổ thông, Chương trình song bằng cấp chứng chỉ IGCSE tại 7 trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố.
Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát triển toàn diện, dẫn đầu cả nước, lần đầu tiên đăng cai tổ chức thành công kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế - Kỳ thi được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2019. Thủ đô cũng là đơn vị giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2019 - 2020, Hà Nội dẫn đầu cả nước về chất lượng và số lượng giải, với 144 giải. Tại các kỳ thi quốc tế, học sinh Thủ đô ghi dấu ấn với 338 giải và huy chương các loại.