Do có nhiều vai trò quan trọng, không thể thiếu đối với cơ thể nên khi trẻ thiếu sắt và kẽm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển thể chất và tinh thần trẻ.
1. Sắt và kẽm có vai trò gì đối với cơ thể trẻ?
Khoáng chất là thành phần dinh dưỡng vi lượng, tuy chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò không thể thiếu đối với sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em. Trong các chất khoáng có vai trò quan trọng nhất đối với phát triển của trẻ không thể không kể đến sắt và kẽm.
- Sắt là thành phần cấu tạo nên hemoglobin trong hồng cầu, giúp vận chuyển oxy từ phổi đến các cơ quan trong cơ thể đồng thời vận chuyển vận chuyển carbon dioxid từ các mô trở lại phổi. Sắt cũng là thành phần cấu tạo myoglobin, một loại protein có chức năng dự trữ, cung cấp oxy cho cơ bắp làm việc. Bên cạnh đó, sắt có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch do tham gia cấu tạo nhiều enzym hệ miễn dịch.
- Lượng kẽm trong cơ thể khoảng 2-3g; phân phối nhiều ở tinh hoàn, sau đó là tóc, xương, gan, thận,... Tuy chỉ chiếm vài phần triệu trọng lượng cơ thể nhưng kẽm có vai trò sinh học vô cùng quan trọng. Kẽm tham gia vào thành phần cấu tạo của hàng loạt các enzym, là chất xúc tác không thể thiếu trong quá trình nhân bản ADN. Do đó, kẽm đặc biệt quan trọng trong phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ. Kẽm giúp tạo hệ miễn dịch khỏe mạnh thông qua kích thích sự phát triển các tế bào lympho B. Kẽm cũng là khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển vùng trung tâm bộ nhớ ở não bộ. Ngoài ra, kẽm còn giúp chuyển hóa, hấp thu nhiều nguyên tố vi lượng khác như: đồng, mangan, magie,...
2. Ảnh hưởng khi trẻ thiếu sắt và kẽm
Do có nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể nên khi trẻ thiếu sắt và kẽm do các nguyên nhân như chế độ ăn cung cấp không đủ, trẻ mắc các bệnh lý làm cản trở hấp thu và chuyển hoá khoáng chất,... sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với sức khỏe trẻ.
2.1. Ảnh hưởng khi trẻ thiếu sắt
Trẻ thiếu sắt thường không có triệu chứng đặc hiệu cho đến khi xuất hiện bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Các biểu hiện của trẻ thiếu máu do thiếu sắt là:
- Da trẻ xanh xao nhất là ở lòng bàn tay, bàn chân, vành tai, mí mắt; niêm mạc nhợt nhạt, lưỡi nhợt, nhẵn do mất hoặc mòn gai lưỡi.
- Lông, tóc, móng của trẻ khô, dễ gãy.
- Trẻ mệt mỏi, chậm chạp, hay buồn ngủ, ít tập trung, ít đùa nghịch, cáu gắt, chán ăn.
- Nếu trẻ bị thiếu sắt thiếu máu nặng có thể có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, khó thở khi vận động mạch, rối loạn tiêu hoá, giảm cân,...
Trẻ thiếu sắt nghiêm trọng kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, giảm trí nhớ, kém tập trung trong học tập, giảm khả năng vận động.
- Sưng phù tay chân, rối loạn nhịp tim, khó thở.
- “Hội chứng pica” là một dạng rối loạn hành vi có thể xảy ra khi trẻ thiếu sắt. Trẻ mắc hội chứng này có thể thèm ăn những thứ không phải thức ăn như đất sét, sơn, bụi bẩn,...gây nguy cơ nhiễm độc cơ thể, làm suy giảm thể chất và nhận thức.
2.2. Ảnh hưởng khi trẻ thiếu kẽm
Đặc điểm của kẽm là không dự trữ trong cơ thể, có nửa đời sống sinh học ngắn trong các cơ quan nội tạng (12.5 ngày), nên dễ bị thiếu nếu chế độ ăn cung cấp không đủ. Thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng đến sức tăng trưởng và chuyển hoá của trẻ. Trẻ thiếu kẽm sẽ gặp các nguy cơ như:
- Biếng ăn, nôn không rõ nguyên nhân, khó ngủ, ngủ trằn trọc, ngủ ít. Sự phát triển thể lực, trí lực của trẻ giảm đáng kể, khả năng học tập giảm sút.
- Rụng tóc, loạn dưỡng móng, hệ miễn dịch suy yếu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu chảy; tổn thương da và niêm mạc, vết thương lâu lành,...
- Suy giảm thị lực, tăng nguy cơ cận thị, rối loạn thính giác.
- Trẻ thiếu kẽm còn tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ.
3. Giải pháp để phòng chống trẻ thiếu sắt và kẽm
Nhiều nghiên cứu cộng đồng cho thấy vấn đề thiếu máu thiếu sắt thường đi kèm với tình trạng thiếu kẽm. Những cộng đồng dân cư có chế độ ăn thiếu sắt thì cũng thường thiếu kẽm. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là chất lượng bữa ăn kém, không đa dạng các loại thực phẩm, ít thức ăn nguồn gốc động vật.
Để phòng chống tình trạng trẻ thiếu sắt và kẽm cũng như các vi chất dinh dưỡng khác, cha mẹ cần thực hiện:
- Chế độ ăn đa dạng thực phẩm, tăng cường sử dụng thực phẩm giàu sắt, kẽm như các loại thịt (thịt bò, thịt heo, thịt cừu, thịt dê,...), hải sản (cá,tôm, cua, hàu, sò,...), các loại đậu, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau củ (bông cải xanh, cải bó xôi, củ cải đường,...)
- Sử dụng các thực phẩm bổ sung vi chất sắt, kẽm như bánh quy, ngũ cốc, sữa công thức, bột dinh dưỡng, bột mì, hạt nêm....
- Đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến và khi cho trẻ ăn, thực hiện ăn chín uống sôi để phòng chống nhiễm giun sán, tiêu chảy.
Khi trẻ có dấu hiệu của thiếu sắt, kẽm cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám. Nếu tình trạng trẻ thiếu sắt và kẽm nghiêm trọng, bổ sung qua chế độ ăn là không đủ, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc chứa sắt, kẽm với hàm lượng phù hợp với tình trạng và cân nặng của trẻ. Cùng với đó là điều trị các tình trạng bệnh lý (nếu có) gây ảnh hưởng đến chuyển hóa, hấp thu sắt và kẽm.
Tình trạng thiếu sắt, kẽm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm về sức khỏe lẫn tinh thần của trẻ, do đó, cha mẹ cần quan sát và bổ sung kịp thời nguồn vitamin quan trọng này.
Ngoài bổ sung qua chế độ ăn uống, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thực phẩm hỗ trợ có chứa kẽm và các vi khoáng chất thiết yếu như Lysine, crom, selen, vitamin B1... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
>> Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm: Thiếu kẽm gây bệnh gì? Khi nào nên bổ sung kẽm?, Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm