Năm học 2022 - 2023, 6 tỉnh/thành tham gia thử nghiệm Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới gồm TP.HCM và đại diện cho các khu vực (các tỉnh thành còn lại là Thái Nguyên, Ninh Bình, Nghệ An, Kon Tum, Đồng Tháp).
Theo kế hoạch của Viện Khoa học giáo dục VN, Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai thử nghiệm Chương trình GDMN mới ở một số nhóm, lớp ở khu vực thuận lợi và khó khăn trong TP.HCM. Quá trình thử nghiệm gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ tháng 11 - 12.2022; giai đoạn 2 từ tháng 2 - 5.2023.
Vance Creek- Exploring Abandoned Mega Bridges
00:08 / 01:43
TRẺ ĐƯỢC TỰ DOLỰA CHỌN CÁC GÓC CHƠI CỦA MÌNH
Chúng tôi có mặt trong một giờ vui chơi của trẻ lớp lá 5 - 6 tuổi ở Trường mầm non Phường 14 (P.14, Q.11, TP.HCM), một trong những cơ sở giáo dục mầm non tại TP.HCM thí điểm Chương trình GDMN mới. Ở trường này, trẻ được tự do lựa chọn các góc chơi của mình. Từ các góc như "làm quen chữ viết", "bé vui học toán", "góc văn học", "góc phân vai"… trẻ được thoải mái sáng tạo với cách chơi của mình. Từ các góc vui chơi mà trẻ được vận dụng, ôn tập lại những kiến thức cô đã dạy trên lớp. Cô Lê Thị Mỹ Duyên, Hiệu trưởng nhà trường, chỉ cho chúng tôi thấy ở góc phân vai của nhóm các bé mẫu giáo, các bé đang bày bàn ăn với các món ăn được cô và trẻ tự làm bằng nguyên vật liệu tái chế, nỉ, giấy mô phỏng bữa ăn sáng dimsum quen thuộc của một gia đình người gốc Hoa ở Chợ Lớn.
Cô Mỹ Duyên cho biết một trong những yêu cầu của Chương trình GDMN mới là nhà trường, giáo viên linh hoạt xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với kinh nghiệm sống, năng lực của trẻ, thực tế địa phương. Trường mầm non Phường 14 nằm ở khu dân cư có nhiều người gốc Hoa sinh sống, con em đi học tại trường cũng có nhiều bé là người dân tộc Hoa, do đó việc trang bị, bài trí các đồ chơi trong các hoạt động của trẻ ở trên lớp cũng mang tính giáo dục về văn hóa, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
TIẾP CẬN NĂNG LỰC, PHẨM CHẤT CỦA TRẺ
Theo Bộ GD-ĐT, Chương trình GDMN mới được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển những ưu điểm của Chương trình GDMN hiện hành. Chương trình thể hiện mục tiêu GDMN, quy định các yêu cầu về nội dung, phương pháp GDMN và đánh giá sự phát triển của trẻ. Chương trình bao gồm những nội dung cơ bản, cốt lõi mang tính định hướng giúp giáo viên có thể chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với kinh nghiệm sống, khả năng của trẻ, thực tế địa phương, vùng miền và giáo dục hòa nhập đối với trẻ khuyết tật.
Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết Chương trình GDMN mới được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, phẩm chất của trẻ định hướng tình cảm, xã hội và liên thông giữa giáo dục nhà trẻ, mẫu giáo với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tới nay, dự thảo Chương trình GDMN mới vẫn tiếp tục được điều chỉnh, cập nhật dựa trên những nhận xét, đánh giá, góp ý cụ thể của các địa phương trong quá trình thực hiện thí điểm tại các đơn vị.
Cô Lê Thị Mỹ Duyên cho hay theo Chương trình GDMN hiện hành, nhà trẻ có 4 lĩnh vực (thể chất - nhận thức - ngôn ngữ - phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ); mẫu giáo có 5 lĩnh vực (thể chất - nhận thức - ngôn ngữ - tình cảm xã hội - thẩm mỹ). Còn dự thảo về chương trình GDMN mới, cả nhà trẻ và mẫu giáo đều có 6 lĩnh vực giáo dục (thể chất; tình cảm - xã hội; ngôn ngữ; khám phá khoa học - công nghệ; toán và nghệ thuật). Với dự thảo Chương trình GDMN mới, trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ đã được làm quen với toán. Đặc biệt, lĩnh vực khám phá khoa học và công nghệ trong dự thảo Chương trình GDMN mới là phù hợp với xu thế phát triển xã hội, chuẩn bị năng lực số cho trẻ lứa tuổi mầm non.
Cần xây dựng cụ thể lộ trình tập huấn, bồi dưỡng
Trả lời PV Thanh Niên, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết đã đề xuất một số ý kiến về những bước chuẩn bị của các đơn vị để thực hiện hiệu quả Chương trình GDMN mới.
Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng cần xây dựng cụ thể lộ trình tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non. Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi học tập chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng. "Cần xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện Chương trình GDMN để hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, thực hiện hiệu quả. Các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non quan tâm đổi mới chương trình đào tạo sát với thực tiễn để song hành cùng với bậc học GDMN thành phố", Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị.
Trong khi đó, đại diện các cơ sở GDMN thực hiện thí điểm Chương trình GDMN mới trong thời gian qua cũng đề xuất nhiều ý kiến, về các bước chuẩn bị của các đơn vị, đặc biệt là nhân lực và cơ sở vật chất. Theo Hiệu trưởng Trường mầm non Phường 14, Q.11, cơ sở vật chất của nhà trường (sân chơi, môi trường xung quanh trẻ, đồ chơi, ứng dụng công nghệ phục vụ việc dạy học và vui chơi của trẻ…) phải đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.