Điểm "khác lạ" của bệnh đau mắt đỏ mùa dịch năm 2023
NDO - Người phụ nữ trẻ không kịp cởi chiếc áo chống nắng, ôm đứa con 3 tuổi ốm nhèo nhẽo trên tay, đứng bần thần trước cửa phòng làm thủ thuật bóc giả mạc. 8 ngày rồi tình trạng đau mắt đỏ của con chị không đỡ. Bé trai 3 tuổi, một bên mắt đau sụp mí, nhiều ghèn đặc quánh mi, quấy khóc ngằn ngặt. “Bác sĩ chỉ định đi bóc giả mạc ngay, tôi cũng rất lo lắng. Không biết có phải vì mình chủ quan đưa con tới bệnh viện khám muộn không?”, người mẹ trẻ xót con giọng đầy lo âu.
Thứ sáu, ngày 22/09/2023 - 10:31
DIỄN BIẾN BẤT THƯỜNG CỦA BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ
7 ngày liên tiếp chỉ nhỏ thuốc Tobrex (kháng sinh nhỏ mắt) theo gợi ý của chủ hiệu thuốc gần nhà, con trai chị N.T.H (Hưng Yên) vẫn không suy giảm tình trạng đỏ mắt. Bên mắt phải gần như cụp xuống. Đứa trẻ khó chịu lấy tay dụi mắt liên tục.
Ở Hưng Yên, chị không biết cho con đi đâu khám. Sáng 21/9, ở ngày thứ 8 của bệnh, vợ chồng chị chạy từ Mỹ Hào, Hưng Yên lên thẳng Bệnh viện Mắt Trung ương. “Bác sĩ bảo con bị viêm kết mạc cấp, phải bóc giả mạc. Bóc giả mạc là gì tôi cũng không biết. Bác sĩ bảo phải đi lại vài lần để làm thủ thuật”, chị H. lo lắng nói.
Chị Hoàng Thị H. (Đông Anh, Hà Nội) bế đứa con mới 18 tháng trên tay cũng đang chờ được vào làm thủ thuật bóc giả mạc. Bé trai bị lây từ anh đi học mẫu giáo. 3 ngày trước, chị đã cho con đến Bệnh viện Mắt Trung ương khám và được cho thuốc về nhà điều trị, hẹn tái khám. Sáng 21/9 tái khám, bé được chỉ định bóc giả mạc. “Hiện nhà tôi cả 3 mẹ con đều đau mắt. Tôi cũng rất khó chịu nhưng nhìn 2 con đỏ rực mắt, đầy ghèn, quấy khóc, không chịu ăn uống rất sốt ruột”, chị H. kể.
Số ca mắc bệnh đau mắt đỏ tới khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương chưa hề có dấu hiệu giảm trong những ngày qua. Có nhiều ca đến viện khi đã trải qua 8-10 ngày đau mắt đỏ. Có trường hợp hơn 20 ngày điều trị tuyến dưới không thuyên giảm, sốt ruột bỏ tuyến dưới tự lên tuyến Trung ương điều trị.
|
Con trai chị N.T.H (Hưng Yên) đang chờ làm thủ thuật bóc giả mạc.
|
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương, Phó Trưởng ban Truyền thông, Bệnh viện Mắt Trung ương cho hay, do miễn dịch của trẻ chưa phát triển, phản ứng phù nề mắt rất dữ dội. Một số trường hợp bệnh nhi chảy máu mắt do giả mạc, khi đó phải bóc giả mạc, có thể gây chảy máu và bệnh nhân có giả mạc thường khỏi không nhanh được như thông thường, khiến cha mẹ rất sốt ruột.
"Nếu trẻ có giả mạc sẽ gây viêm loét giác mạc, bội nhiễm. Nếu trẻ đến bệnh viện muộn thì có thể bị hỏng một bên mắt, do đó, chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ, bệnh nhi phức tạp hơn, công phu hơn", bác sĩ Cương cho hay.
Nếu trẻ có giả mạc sẽ gây viêm loét giác mạc, bội nhiễm. Nếu trẻ đến bệnh viện muộn thì có thể bị hỏng một bên mắt, do đó, chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ, bệnh nhi phức tạp hơn, công phu hơn.
Bác sĩ Hoàng Cương, Phó Trưởng ban Truyền thông, Bệnh viện Mắt Trung ương
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Kết-Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương cho hay, dịch đau mắt đỏ bắt đầu diễn biến tăng nhanh, phức tạp từ 2 tháng trước. Hàng năm khi nắng nóng thường xảy ra dịch đau mắt đỏ hay còn gọi viêm kết mạc cấp. Tuy nhiên, năm nay, dịch nặng và kéo dài hơn, hiện đã mùa thu nhưng dịch vẫn đang kéo dài.
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, hằng tuần ghi nhận 700-800 ca đến khám một tuần. Trung bình 100 bệnh nhân khám thì có khoảng 20-30 bệnh nhân đau mắt đỏ. Năm nay có nhiều ca biến chứng nặng, tỷ lệ lên tới 15-20% tổng số ca được chẩn đoán đau mắt đỏ.
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, hằng tuần ghi nhận 700-800 ca đến khám một tuần. Trung bình 100 bệnh nhân khám thì có khoảng 20-30 bệnh nhân đau mắt đỏ. Năm nay có nhiều ca biến chứng nặng, tỷ lệ lên tới 15-20% tổng số ca được chẩn đoán đau mắt đỏ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Kết-Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương
Dịch đau mắt đỏ cấp thường do virus gây ra, khi người bệnh bị nhiễm thì dịch tiết từ mắt và đường hô hấp chứa nhiều virus. Và khi dịch tiết bắn ra ngoài, sang người khác lây bệnh.
Về chẩn đoán bệnh tương đối đơn giản với triệu chứng mắt ngứa, cộm đỏ, sưng nề, chảy nhiều dịch, thường thị lực không giảm mà chỉ khó nhìn. Viêm kết mạc bản thân lành tính, nếu bệnh nhân đến sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
|
Em bé bị lây đau mắt từ anh trai đi học mẫu giáo.
|
Tuy nhiên nhiều ca đến viện muộn, tự mua thuốc về tra mắt, điều trị phản khoa học xông lá trầu không, lá dâu, gây nhiều biến chứng như loét giác mạc, khi đó bệnh trở nặng nên sẽ phải điều trị nội trú để được theo dõi chặt chẽ hơn.
TỶ LỆ BỆNH NHÂN VIÊM GIÁC MẠC NHIỀU HƠN MỌI NĂM
Các bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương thời gian vừa qua có nhiều bệnh lý khác nhau như viêm giác mạc chấm nông, viêm kết mạc, viêm loét giác mạc, viêm giác mạc kẽ, viêm giác mạc sợi… trong đó viêm loét giác mạc chiếm tỷ lệ nhiều và có nhiều biến chứng nặng nhất.
“Mọi năm, bệnh nhân đến khám do xuất huyết kết mạc là chủ yếu, mặc dù biểu hiện rầm rộ nhưng bệnh lại lành tính. Trong khi đó, năm nay các bệnh nhân chủ yếu đến khám do viêm giác mạc. Điều này ảnh hưởng tới thị lực rất lớn”, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Mai Hương, Khoa Chấn thương Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương cho hay.
Mọi năm, bệnh nhân đến khám do xuất huyết kết mạc là chủ yếu, mặc dù biểu hiện rầm rộ nhưng bệnh lại lành tính. Trong khi đó, năm nay các bệnh nhân chủ yếu đến khám do viêm giác mạc. Điều này ảnh hưởng tới thị lực rất lớn.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Mai Hương, Khoa Chấn thương Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương
Ngồi phòng khám liên tiếp vài ngày qua, bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hương cho hay, đau mắt đỏ đều gây ra tình trạng khó chịu ở người lớn hay trẻ nhỏ. Khi trẻ viêm giác mạc rất khó phát hiện, phải khám xét kỹ. Ở người lớn, viêm giác mạc gây ra cảm giác đau, cộm, thị lực bị mờ. Nếu ai làm việc với máy tính sẽ có cảm giác rất khó chịu, căng mắt khi làm việc.
|
Số ca người lớn và trẻ em khám đau mắt đỏ gia tăng.
|
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương, Phó Trưởng ban Truyền thông, Bệnh viện Mắt Trung ương cho hay, đau mắt đỏ (viêm kết mạc) có điều đặc biệt cần lưu ý là trong năm nay, số học sinh đến khám hiện vẫn tăng. Các bé đến khám mắt nhiều, đặc biệt đau mắt đỏ rất cao, trong khi đó, các năm trước, khi vào năm học hầu như không ghi nhận các ca đau mắt đỏ ở học sinh phải đến khám. Các cháu đau một bên, rồi hai bên, mắt sưng húp híp, khiến các gia đình rất lo lắng.
Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ cũng nhận định năm nay tình trạng trẻ mắc đau mắt đỏ lâu khỏi hơn, vì có nhiều trường hợp sau thời gian dài điều trị ở nhà hoặc điều trị tuyến dưới không thấy khỏi bệnh mới tới bệnh viện khám thì đã gặp biến chứng. Ngoài ra, các bác sĩ vẫn gặp các ca chủ quan, đến khám muộn, cứ chờ khỏi theo tự nhiên.
“Đau mắt đỏ sẽ khỏi theo tự nhiên sau 7-10 ngày, nhưng nếu lâu hơn sẽ có nguy cơ biến chứng, khó điều trị hơn. Khi đó, trẻ cần phải được khám chuyên khoa mắt để được dùng thuốc chống viêm, tăng cường miễn dịch chống bội nhiễm. Viêm kết mạc cũng có thể dễ gây biến chứng và cần đi khám để có chỉ định dùng thuốc phù hợp”, bác sĩ Cương nói.
Theo chuyên gia này, trong nhiều trường hợp, mặc dù được phát hiện và điều trị kịp thời nhưng bệnh vẫn gây biến chứng viêm giác mạc, thậm chí gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu). Đây là biến chứng nặng và thường xảy ra ở những trường hợp: Người có sức đề kháng yếu (người già, trẻ nhỏ), những người không tuân thủ tốt điều trị, những trường hợp viêm kết mạc cấp nặng (mi sưng phù nhiều, có giả mạc).
NHỮNG SAI LẦM TRONG CHĂM SÓC, ĐIỀU TRỊ ĐAU MẮT ĐỎ TẠI NHÀ
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương sáng 21/9, không ít các bà mẹ cầm theo khăn xô chấm mắt cho con. Cá biệt, có bà mẹ mang theo cả gói giấy ăn khô để chấm mắt và nghĩ rằng sẽ an toàn.
Chia sẻ về điều này, bác sĩ Mai Hương cho hay, đau mắt đau đỏ gây ra tình trạng chảy nước mắt nên mọi người có thói quen lấy tay chùi mắt hoặc sử dụng khăn, giấy, gạc chấm mắt.
|
Trẻ quấy khóc sau khi được bóc giả mạc.
|
Tuy nhiên, việc sử dụng giấy ăn có thể nhiễm hóa chất tẩy giấy. Khăn lau chấm đi chấm lại mắt, cho vào túi áo, túi quần cũng không bảo đảm vô khuẩn, khi chấm lên mắt có thể gây bội nhiễm. “Đây là sai lầm hay gặp của người lớn và của cha mẹ khi chăm sóc trẻ đau mắt. Nếu đau mắt đỏ không để ý vệ sinh đúng cách, ngoài nhiễm virus, người bệnh còn nhiễm khuẩn”, bác sĩ Hương chia sẻ.
Vì vậy, bác sĩ Hương khuyến cáo các cha mẹ nên mua gói gạc, sử dụng từng miếng nhỏ thấm mắt rồi bỏ đi, tránh bị nhiễm khuẩn. Cha mẹ cần tra thuốc mắt cho con đầy đủ, đúng cách.
Các cha mẹ nên mua gói gạc, sử dụng từng miếng nhỏ thấm mắt rồi bỏ đi, tránh bị nhiễm khuẩn.
Một sai lầm nữa hiện các cha mẹ hay mắc là khi tra thuốc mắt ngày thứ 5 thấy đỡ, không còn đỏ mắt, gia đình tự ý bỏ thuốc tra. 2 ngày sau khám lại, tình trạng mắt mờ hơn. Thực tế, những gì mọi người nhìn thấy chỉ là tình trạng lòng trắng đỡ đỏ, nhưng khi dừng thuốc, virus sẽ tấn công vào lòng đen của mắt, gây ra mờ. “Việc bỏ thuốc giữa chừng làm virus bùng trở lại làm cho người bệnh trở nặng hơn. Khi đó điều trị khó khăn hơn, dài hơi hơn”, bác sĩ Hương nhấn mạnh.
Việc bỏ thuốc giữa chừng làm virus bùng trở lại làm cho người bệnh trở nặng hơn. Khi đó điều trị khó khăn hơn, dài hơi hơn.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Mai Hương, Khoa Chấn thương Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương
Do đó, khi được chẩn đoán viêm giác mạc, các bác sĩ khuyến cáo những người làm văn phòng nên kiêng máy tính, điện thoại, tivi, tránh tình trạng mờ mắt sẽ kéo dài. Đàn ông cần kiêng rượu, bia, thuốc lá để tránh ảnh hưởng quá trình điều trị. Đặc biệt khói thuốc lá sẽ làm cho tình trạng mờ mắt của người viêm giác mạc nặng nề hơn.
|
Bác sĩ khuyến cáo trẻ đau mắt cần đi khám sớm để phát hiện chính xác bệnh, xử trí kịp thời, tránh ảnh hưởng tới thị lực.
|
Tiến sĩ Hoàng Cương đặc biệt khuyến cáo, khi trẻ đỏ mắt, đầu tiên là đi khám, đặc biệt trong vụ dịch đang diễn biến phức tạp. "Bệnh đau mắt đỏ có thể nhầm bệnh khác, ví dụ như viêm do nội nhãn, viêm màng bồ đào, do đó, đỏ mắt mà chưa chắc đã phải mắc viêm kết mạc cấp. Khi trẻ mắt sưng, chảy nước mắt có dịch hồng sẽ có nguy cơ có giả mạc, cần phải bóc giả mạc. Sau khi dùng thuốc 2-3 ngày không đỡ, vẫn đỏ sưng thì người đau mắt cần phải khám lại", bác sĩ Cương nhấn mạnh.