Sau 6 tháng, đôi khi là 4 tháng thì sữa mẹ không còn là nguồn thực phẩm duy nhất cho trẻ nữa. Ngoài sữa mẹ, bé sẽ cần nhiều dinh dưỡng, năng lượng hơn để phát triển và khỏe mạnh. Kể cả sữa công thức vào lúc này cũng không còn đủ vai trò trong quá trình phát triển của trẻ. Ở Mỹ, người ta gọi những thức ăn bên cạnh sữa mẹ hoặc sữa công thức là “thức ăn phụ”. Nước ta gọi đây là thức ăn dặm. Bài viết này sẽ tập trung về câu chuyện ăn uống của các bé 6 tháng – 24 tháng (2 tuổi).
Khi nào nên cho trẻ ăn dặm?
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo trẻ nên được cho trẻ ăn các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa bột khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau. Do đó, làm thế nào để bạn biết liệu con bạn đã sẵn sàng cho các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa bột hay chưa. Bạn có thể tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy con bạn đã sẵn sàng như:
- Con bạn có thể ngồi với một chút hỗ trợ từ ba mẹ hoặc tự bản thân trẻ.
- Bé có thể kiểm soát đầu tốt. Đầu bé vẫn vững vàng khi đặt bé ở tư thế ngồi, không bị nghiêng ngã.
- Con bạn có thể mở miệng và cúi về phía trước khi gặp thức ăn.
Điều cần quan tâm đầu tiên khi trẻ có thể ăn dặm là gì?
Hãy để con bạn thử một loại thực phẩm tại một thời điểm. Điều này giúp bạn biết được con bạn có vấn đề gì với thực phẩm đó không. Điều được quan tâm thông thường là dị ứng. Đợi 3 đến 5 ngày trước khi đổi sang một loại thực phẩm mới.
Tám loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất là:
- Sữa.
- Trứng.
- Cá.
- Động vật có vỏ (tôm, cua).
- Các loại hạt.
- Đậu phộng.
- Lúa mì.
- Đậu nành.
Thông thường, việc này có thể không cần thiết, tuy nhiên nếu bạn có tiền sử bị dị ứng thì vấn đề này rất quan trọng.
Dấu hiệu dị ứng bao gồm:
- Tiêu chảy.
- Phát ban.
- Nôn mửa.
Các khuyến cáo chung về dinh dưỡng cho trẻ
Các loại dinh dưỡng cho trẻ nói chung nên phù hợp theo độ tuổi, nhằm:
- Cung cấp cho trẻ đầy đủ dinh dưỡng, dưỡng chất cần thiết.
- Hỗ trợ trẻ phát triển một cách hoàn thiện.
- Ngăn chặn béo phì ở trẻ em.
Trẻ 6 đến 8 tháng tuổi
Ở độ tuổi này, bé có thể sẽ ăn khoảng 4 đến 6 lần mỗi ngày. Nhưng dĩ nhiên bé sẽ ăn nhiều hơn trong mỗi lần so với 6 tháng đầu đời.
Nếu bạn cho bé ăn sữa công thức, bé sẽ ăn khoảng 180 đến 240 ml cho mỗi lần. Nhưng bạn cần nhớ, không nên cho trẻ ăn nhiều hơn 950 ml trong 24 giờ.
Bạn có thể bắt đầu giới thiệu thực phẩm ăn dặm từ 6 tháng tuổi nếu bé thỏa các tiêu chí đã nêu. Tuy vậy hầu hết lượng calo (năng lượng hoạt động) của bé vẫn nên đến từ sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Sữa mẹ không phải là nguồn dinh dưỡng chứa nhiều chất sắt.
Vì vậy, sau 6 tháng, em bé của bạn sẽ bắt đầu cần nhiều chất sắt hơn. Việc bắt đầu cho ăn dặm với các loại ngũ cốc chứa nhiều chất sắt xen kẽ với sữa mẹ hoặc sữa công thức sẽ phù hợp hơn chỉ bú sữa mẹ hoặc ăn sữa công thức. Bắt đầu bằng cách cung cấp cho trẻ ngũ cốc 2 lần một ngày. Mỗi lần chỉ cần trong vài muỗng.
Bạn có thể làm cho thức ăn dặm hỗn hợp trở nên đặc hơn khi bé học cách kiểm soát thức ăn trong miệng. Ngoài ra, bạn cũng có thể giới thiệu các loại thịt, trái cây và rau củ giàu chất sắt.
Hãy cho trẻ thử: đậu xanh, cà rốt, khoai lang, bí, táo, lê, chuối và đào. Một số chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên cho trẻ ăn dặm một vài loại rau trước khi ăn trái cây. Vị ngọt của trái cây có thể làm cho một số loại rau trở nên ít hấp dẫn hơn đối với trẻ.
Lượng thức ăn dặm con bạn ăn sẽ thay đổi giữa 2 muỗng canh (khoảng 30 gram) và 2 ly nhỏ (480 gram) trái cây và rau quả mỗi ngày. Con bạn ăn bao nhiêu tùy thuộc vào kích thước và mức độ thèm ăn trái cây và rau quả của chúng.
Bạn cũng nên biết:
- Không bao giờ cho bé ăn mật ong. Mật ong có thể chứa vi khuẩn gây ngộ độc. Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng.
- Đừng cho bé uống sữa bò cho đến khi chúng được 1 tuổi. Em bé dưới 1 tuổi khó tiêu hóa sữa bò.
- Không bao giờ đặt con bạn đi ngủ cạnh một bình sữa. Điều này có thể gây sâu răng sớm. Nếu em bé của bạn muốn mút, hãy cho chúng một núm vú giả.
- Dùng thìa nhỏ khi cho bé ăn.
- Sẽ rất tốt để bắt đầu tập cho bé uống nước giữa các lần cho ăn.
Ngoài ra:
- Không cho bé ăn ngũ cốc trong bình sữa trừ khi bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng. ví dụ, khi trẻ trào ngược dạ dày thực quản thường xuyên.
- Chỉ cung cấp cho con bạn những thực phẩm mới khi chúng đói.
- Tránh cho thêm muối và đường vào thực phẩm của trẻ.
- Các hộp đựng thức ăn của em bé đã mở ra thì nên được đậy kín. Chỉ được bảo quản các hộp này trong tủ lạnh không quá 2 ngày.
Trẻ 8 đến 12 tháng
Ở tuổi này, bạn có thể cung cấp thực phẩm “ăn bằng tay” với số lượng nhỏ. Em bé của bạn có thể sẽ biểu hiện cho bạn biết rằng chúng đã sẵn sàng để bắt đầu tự ăn bằng cách lấy thức ăn hoặc thìa bằng tay.
Thực phẩm “ăn bằng tay” phù hợp cho trẻ
- Rau nấu chín mềm.
- Trái cây rửa sạch và gọt vỏ.
- Bánh quy giòn.
- Bánh mì nướng giòn.
- Mì ống.
Bạn nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức 3 đến 4 lần mỗi ngày ở độ tuổi này.
Tránh các loại thực phẩm có thể gây nghẹn, chẳng hạn như:
- Vỏ táo hoặc lát táo, nho tươi, nho khô.
- Ngũ cốc khô.
- Xúc xích cắt lát.
- Bơ đậu phộng.
- Bỏng ngô.
- Kẹo tròn.
- Rau sống (chưa nấu).
Ngoài ra:
Bạn có thể cho con bạn ăn lòng đỏ trứng 3 đến 4 lần mỗi tuần. Một số bé rất nhạy cảm với lòng trắng trứng. Vì vậy, không cho trẻ mẫn cảm lòng trắng ăn trứng gà cho đến sau 1 tuổi.
Bạn có thể cung cấp một lượng nhỏ phô mai, bơ và sữa chua, nhưng không bao gồm sữa bò cho trẻ.
Đến 1 tuổi, hầu hết trẻ em đều ra không cần dùng bình sữa. Nếu con bạn vẫn sử dụng bình sữa, lúc này hãy đổ nước đun sôi để nguội để tập cai cho bé.
Bé 1 tuổi
Ở tuổi này, bạn có thể cho bé uống sữa nguyên chất thay cho sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Hầu hết các bà mẹ ở Mỹ cai sữa cho con ở độ tuổi này. Nhưng cũng không vấn đề gì khi tiếp tục nếu bạn và em bé của bạn muốn.
Không cho trẻ uống sữa ít béo (2%, 1% hoặc hớt bọt) cho đến sau 2 tuổi. Đơn giản vì ở thời điểm này, em bé cần thêm calo từ chất béo để tăng trưởng và phát triển.
Ở tuổi này, em bé của bạn sẽ nhận được hầu hết dinh dưỡng từ:
- Protein.
- Trái cây và rau quả.
- Bánh mì và ngũ cốc, và sữa.
- Bạn có thể đảm bảo em bé của bạn nhận được tất cả các vitamin và khoáng chất cần thiết bằng cách cung cấp nhiều loại thực phẩm.
Con bạn sẽ bắt đầu bò, tập đi và hoạt động nhiều hơn. Bé sẽ ăn số lượng ít hơn mỗi lần so với trước đó, nhưng sẽ ăn thường xuyên hơn (4 đến 6 lần một ngày). Do đó, luôn chuẩn bị đồ ăn nhẹ trên tay khi chăm bé là một ý tưởng tốt.
Ở tuổi này, sự phát triển của trẻ sẽ chậm lại. Việc tăng kích thước sẽ không nhanh chóng như trước đó.
Bạn cũng nên biết:
Nếu con bạn không thích một loại thức ăn mới, hãy thử cho nó ăn lại sau. Thường thì phải mất vài lần thử trẻ mới thích ứng với một loại thực phẩm mới.
Đừng cho con bạn ăn đồ ngọt hoặc đồ uống ngọt. Nó có thể làm hỏng thói quen ăn uống của của trẻ và gây ra sâu răng.
Tránh bổ sung muối, gia vị mạnh và các sản phẩm có chứa caffeine, bao gồm:
- Nước ngọt.
- Cà phê, trà.
- Sô cô la.
Nếu em bé của bạn quấy khóc ở độ tuổi này, chúng có thể cần sự chú ý của bạn hơn là đòi ăn.
Bé 2 tuổi
Sau khi con bạn lên 2 tuổi, chế độ ăn của con bạn nên có một lượng chất béo vừa phải.
Một chế độ ăn thừa chất béo có thể dẫn đến bệnh tim, béo phì và các vấn đề sức khỏe khác sau này trong cuộc sống của bé.
Con bạn nên ăn nhiều loại thực phẩm từ mỗi nhóm thực phẩm: bánh mì và ngũ cốc, protein, trái cây và rau quả, và sữa.
Nếu nước của bạn không có fluoride, tốt nhất là bạn nên sử dụng kem đánh răng hoặc nước súc miệng có thêm fluoride để bảo vệ răng miệng trẻ.
Tất cả trẻ em cần nhiều canxi để hỗ trợ xương phát triển
Nhưng không phải tất cả trẻ em đều có đủ hàm lượng chất này trong cơ thể. Nguồn canxi tốt bao gồm:
- Sữa ít béo hoặc không béo, sữa chua và phô mai.
- Rau xanh nấu chín.
- Cá hồi đóng hộp (có xương nghiền).
Vitamin bổ sung:
Nếu chế độ ăn uống của con bạn cân bằng và lành mạnh, chúng không cần bổ sung vitamin. Một số trẻ rất kén ăn, nhưng thường thì chúng vẫn nhận được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết. Nếu bạn lo lắng, hãy hỏi bác sĩ chăm sóc sức khỏe của bạn xem con bạn có cần vitamin tổng hợp cho trẻ em không.
Một số chú ý
Cần đến gặp bác sĩ về vấn đề dinh dưỡng của trẻ khi
- Trẻ không ăn đủ bữa hoặc lượng thức ăn cần thiết.
- Ăn quá nhiều. Bệnh béo phì trẻ em ngày càng xuất hiện nhiều ở nước ta.
- Tăng cân quá nhanh hoặc quá chậm. Đôi khi vấn đề tăng cân không liên quan đến ăn uống mà do bệnh tật gây ra.
- Dị ứng với một loại thực phẩm nào đó.
Cần hiểu biết về nghẹn thức ăn để phòng ngừa và sơ cứu đúng cách
Khi ăn nên cho trẻ:
- Ngồi ăn chứ không nằm để ăn.
- Ăn uống ở một nơi an toàn.
- Tránh cho trẻ ăn khi đang ngồi xe máy, xe hơi hoặc xe nôi.
- Chuẩn bị thực phẩm mềm, dễ nuốt.
Sơ cứu:
- Đối với trẻ < 1 tuổi, bạn nên ngồi lên ghế, đặt úp trẻ lên đùi, mặt trẻ nghiên qua một bên. Vỗ má lòng bàn tay giữa 2 xương vai của trẻ 5 lần, lực vừa đủ mạnh. Chú ý việc vỗ lưng nhằm tống vật làm trẻ nghẹn từ cổ, ngực ra ngoài, do đó nên vỗ lưng từ trên xuống và hướng từ mông đến đầu (như hình).
- Đối với trẻ lớn hơn, nên để trẻ đứng hoặc ngồi. Ôm trẻ từ phía sau, 2 tay bạn đan vào nhau tạo 1 nấm đấm lớn. Giật nấm đấm này theo hướng từ trước ra sau, từ dưới hướng lên trên (như hình).
Đây là biện pháp sơ cứu đơn giản nhưng thực dụng. Tuy nhiên, nếu thất bại khi thực hiện với 2 phương pháp này, hãy gọi cấp cứu.
Trẻ trên 6 tháng tuổi thường cần bắt đầu làm quen với việc ăn dặm. Sữa mẹ hay sữa công thức lúc này đã không còn đủ nữa. Tùy thuộc vào lứa tuổi của trẻ mà ta có một xu hướng cung cấp dinh dưỡng khác nhau. Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chậm phát triển hoặc tăng nhanh quá mức, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa.